Tiếng Việt | English

29/07/2018 - 08:50

Những thương binh “tàn” nhưng không “phế”

Trở về đời thường với cơ thể không lành lặn, những thương binh, cựu chiến binh vẫn lạc quan, thi đua làm kinh tế, chung sức xây dựng quê hương.

1. Ở tuổi 18, khi vừa tốt nghiệp THPT, chàng trai trẻ Đỗ Văn Tâm (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. 4 năm sau, ông bị thương nặng, được đồng đội đưa về quê và phải trải qua 3 lần phẫu thuật. Mất một chân phải, việc đi đứng và sinh hoạt của ông rất bất tiện. Cứ nghĩ cuộc đời sẽ đi vào ngõ cụt nhưng được sự động viên, an ủi từ gia đình và đồng đội, ông dần lấy lại tinh thần và bắt đầu tập đi chân giả. 

Ông Đỗ Văn Tâm (bìa trái) chia sẻ về công việc của mình với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 4

Ông Đỗ Văn Tâm (bìa trái) chia sẻ về công việc của mình với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 4

Năm 1986, vượt qua mặc cảm, ông học nghề tại cơ sở của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rồi tiếp tục bồi dưỡng kiến thức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và được phân công giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghề Long An. Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng ông tự hào về các con. Người con trai lớn tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, con gái út đang học đại học. Đó là “trái ngọt” sau bao nhiêu năm phấn đấu của ông bà. Ông nói: “Tôi may mắn có được người vợ quan tâm, chia sẻ và các con ngoan ngoãn. Gia đình tôi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, cuộc sống mới được như ngày nay”. 

Vợ ông, bà Phan Thị Hoa quê ở tỉnh Đồng Tháp. Bà cảm phục trước nghị lực vượt khó và đồng cảm với sự mất mát của ông nên đồng ý về chung một nhà. Hai vợ chồng nương tựa vào nhau. Ngoài thời gian giảng dạy, ông tranh thủ nhận sửa điện tử, đồ dùng trong sinh hoạt gia đình. Vợ chồng ông được xây tặng nhà tình nghĩa. Qua thời gian vừa làm, vừa tích góp, vợ chồng ông xây dựng được ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, cuộc sống sung túc. 58 tuổi đời, 34 năm tuổi Đảng, ông Tâm nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen từ cơ sở đến Trung ương vì tinh thần vượt khó, đóng góp cho sự phát triển KT-XH địa phương. 

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 4, TP.Tân An - Nguyễn Thanh Hiền cho biết, ông Tâm là cựu chiến binh, thương binh với tỷ lệ thương tật hơn 80%. Dù cơ thể không lành lặn nhưng ông có nhiều cố gắng, giúp đỡ hội viên khác, là gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền. 

2. Vượt qua nỗi đau thể xác do di chứng của chiến tranh để lại, cựu chiến binh, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Mẫn, ngụ ấp Tân Chánh, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An không ngừng vươn lên trong cuộc sống. 

Năm 1985, ở tuổi 20, ông hăng hái lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Sau đó không lâu, ông bị thương nặng, mất một chân trái, được đưa về điều dưỡng tại Làng Thương binh nặng thuộc xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Một thời gian sau, ông quay trở về vùng đất Tân Tập. Khi ấy, nơi này là vùng bãi ngang, thường bị ngập mặn, cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Ông theo học nghề may do ngành lao động - thương binh và xã hội tổ chức. Qua sự giới thiệu của gia đình, ông nên duyên với bà Trần Thị Hồng Hoa, người cùng địa phương. Gia đình có truyền thống cách mạng nên bà hiểu và chia sẻ với những mất mát của ông. Lúc hai vợ chồng ra riêng, được cha mẹ hai bên cho 2.000m2 đất. 

Hàng ngày, bà thức khuya, dậy sớm buôn bán nhỏ tại chợ Tân Tập. Còn ông mạnh dạn vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội, mượn thêm của người thân, thành lập cơ sở cung cấp vôi, thức ăn chăn nuôi cho người nuôi tôm trong xã. Chúng tôi gặp ông lúc giữa trưa, người thương binh này vẫn cặm cụi vác từng bao thức ăn tôm, lưng áo đẫm mồ hôi,...

Ông Nguyễn Văn Mẫn cặm cụi với công việc

Ông Nguyễn Văn Mẫn cặm cụi với công việc

Dù chỉ còn một chân nhưng hàng ngày, ông vẫn tự chạy xe máy giao vôi, thức ăn tôm khi người dân cần. Số tiền tích lũy qua từng năm không chỉ giúp vợ chồng ông xây dựng được ngôi nhà tươm tất mà còn mua thêm 3.000m2 đất để nuôi tôm. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tại địa phương. 

Ông chia sẻ, “khi bị thương tật ở tuổi 20, tôi tưởng rằng bao nhiêu ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ khép lại nhưng rồi tôi nghĩ, mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác nên phải cố gắng. Đến khi có 2 đứa con, tôi nghĩ mình phải nỗ lực gấp bội để mang lại cuộc sống đầy đủ cho các con. Đó chính là động lực giúp tôi cố gắng làm kinh tế”. 

Những người lính Cụ Hồ cống hiến tuổi xuân và một phần xương máu của mình để bảo vệ đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế. Bao nhiêu năm trôi qua, vết thương chiến tranh được hàn gắn, nhưng vết thương do bom đạn trên thịt da của những người thương binh vẫn ngày đêm nhức nhối. Dù vậy, họ vẫn lạc quan, tin tưởng, vượt khó, chung tay lao động, sản xuất./.

Bao nhiêu năm trôi qua, vết thương chiến tranh được hàn gắn, nhưng vết thương do bom đạn trên thịt da của những người thương binh vẫn ngày đêm nhức nhối. Dù vậy, họ vẫn lạc quan, tin tưởng, vượt khó, chung tay lao động, sản xuất.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết