Ô nhiễm chéo trong khu, cụm công nghiệp
Theo Trưởng bộ phận Chăm sóc khách hàng Công ty Cổ phần Long Hậu (Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu) - Lê Thị Hồng Điệp: Hiện nay, tại KCN Long Hậu có một DN hoạt động chế biến nguyên liệu từ cao su. Mùi hôi phát sinh trong quá trình chế biến thường xuyên tỏa ra, gây ảnh hưởng lớn đến DN xung quanh. Qua phản ánh từ Ban Quản lý KCN Long Hậu và DN khác, các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành kiểm tra, lấy mẫu thử nhưng kết quả không vượt mức cho phép, bởi những ngày này, DN hạn chế sản xuất nên mùi hôi không nhiều.
Đại diện Khu công nghiệp Long Hậu cho rằng, ô nhiễm chéo trong khu công nghiệp đang diễn ra khiến doanh nghiệp gặp khó khăn
Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra, mùi hôi trong quá trình sản xuất từ DN này tiếp tục xuất hiện, có dấu hiệu ngày càng đậm đặc hơn. Việc này khiến không ít DN đang sản xuất trong KCN Long Hậu bức xúc, nhất là DN chế biến thực phẩm. Một số DN cho biết, nếu DN gây ô nhiễm môi trường không ngưng hoạt động thì họ sẽ di dời, rút khỏi KCN. Điều này khiến KCN Long Hậu lo lắng.
Cũng là vấn đề ô nhiễm chéo trong Cụm công nghiệp (CCN) Lợi Bình Nhơn, đại diện Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) chia sẻ: Bên cạnh Lafooco có 1 DN xây dựng nhà xưởng không theo trật tự, không chừa lối phòng cháy, chữa cháy. Nghiêm trọng hơn là mùi hôi từ quá trình sản xuất của DN này khiến Lafooco bị ảnh hưởng. Lafooco chuyên chế biến thực phẩm và khách hàng hầu hết là ở các nước châu Âu, châu Mỹ, vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm rất nghiêm khắc. Theo quy định, nếu khách hàng đến khảo sát, khi phát hiện môi trường sản xuất bị ô nhiễm, có mùi là có quyền hủy hợp đồng.
Vấn đề ô nhiễm chéo trong KCN Long Hậu được Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Trần Văn Bình cho biết: Ban sẽ phối hợp một số ngành chuyên môn kiểm tra DN gây ô nhiễm, lấy mẫu thử. Nếu DN này cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần về môi trường sẽ có biện pháp xử lý mạnh như buộc ngưng hoạt động, di dời nhà xưởng sản xuất. Việc làm này nhằm mang đến môi trường đầu tư tốt cho các DN khác.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà thông tin: Ô nhiễm chéo trong K,CCN hiện khá phổ biến. Nguyên nhân trước đây, các K,CCN nôn nóng thu hút đầu tư để nhanh chóng lấp đầy; riêng các ngành chức năng trước đây chỉ phân loại loại hình ô nhiễm nên sau thời gian thu hút đầu tư thì phát sinh. Để hạn chế ô nhiễm chéo, Sở Xây dựng sẽ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường phân nhóm khu vực, theo ngành nghề sản xuất khi DN thực hiện các thủ tục đầu tư, nhằm tránh ảnh hưởng đến nhà đầu tư thứ cấp.
Người lao động cần chính sách đãi ngộ tốt
Đại diện một DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại KCN Long Hậu cho rằng: “Hiện nay, trên địa bàn Long An, DN tại các K,CCN đi vào hoạt động, sản xuất nhiều. Do đó, tình trạng khan hiếm, thiếu hụt lao động diễn ra và làn sóng công nhân “nhảy việc” nhiều; đề xuất các ngành chức năng hỗ trợ DN thu hút lao động”.
Vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - Phạm Văn Bốn thông tin: Hiện nay, nguồn lao động tại Long An rất nhiều nhưng có tình trạng họ không làm việc tại Long An mà dịch chuyển sang các tỉnh bạn, nguyên nhân từ chính sách tiền lương. Sở LĐ-TB&XH có tổ chức sàn giao dịch việc làm tại nhiều khu vực: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa,... Khi DN có nhu cầu tuyển dụng lao động cần liên hệ với Sàn giao dịch việc làm, DN cần có kế hoạch tuyển dụng lao động và các thông tin cần thiết, cụ thể về công việc, nơi làm việc, chính sách lao động tiền lương người lao động được nhận. Ngoài ra, DN cần phối hợp ngành LĐ-TB&XH đào tạo lao động theo nhu cầu. Trách nhiệm của ngành sẽ thu hút lao động cung ứng cho DN.
“Tuy nhiên, người lao động hiện nay cần chính sách tiền lương, đãi ngộ tốt để họ trang trải cuộc sống. Ở một DN có chính sách tiền lương, đãi ngộ tốt sẽ dễ dàng thu hút lao động. Ngược lại, khi được chăm lo tốt về đời sống tinh thần lẫn vật chất, người lao động sẽ bám trụ công việc, không có tư tưởng nhảy việc và đồng hành cùng sự phát triển của DN” - ông Phạm Văn Bốn nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại cuộc đối thoại, DN còn phản ánh nhiều vấn đề khác: Vướng giải tỏa, đền bù (KCN Tân Kim mở rộng); chợ tự phát lấn đường giao thông (KCN Long Hậu); tình trạng ngập cục bộ khu vực Công ty TNHH Lavie; dây cáp viễn thông trên nhiều tuyến đường “lòng thòng” xuống mặt trường, “trên đầu người” gây mất mỹ quan đô thị; các ngành nghề sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, quy mô nhỏ nên được ưu tiên bố trí bên ngoài K,CCN vì giá thuê đất tại K,CCN khá cao, DN nhỏ không đủ chi phí,... Các vấn đề này, đại diện các DN được lãnh đạo một số sở, ngành liên quan giải đáp và đưa ra biện pháp giải quyết cụ thể từng vấn đề.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được: Hầu hết vấn đề DN phản ánh đều sát thực tế địa phương. Trên tinh thần tích cực, thẳng thắn trao đổi để thấy rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh từ DN cũng như mối liên kết giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Từ đó, chính quyền địa phương nắm bắt và chỉ đạo xử lý kịp thời, mở ra cơ hội hợp tác phát triển trong môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng để DN an tâm, đồng hành cùng tỉnh trong quá trình phát triển KT-XH.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng để doanh nghiệp an tâm, đồng hành cùng tỉnh trong quá trình phát triển KT-XH (Ảnh chụp tại Công ty TNHH MTV Hòa Thành Long An)
Những vấn đề đại diện DN phản ánh tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Văn Được chỉ đạo các ngành liên quan sớm giải quyết theo thẩm quyền, tránh để nhà đầu tư gặp khó khăn, thiệt thòi. Các vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh sẽ được kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết. “Long An luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn đạt hiệu quả cao nhất” - ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh./.
Để hạn chế ô nhiễm chéo, Sở Xây dựng sẽ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường phân nhóm khu vực, theo ngành nghề sản xuất khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, nhằm tránh ảnh hưởng đến nhà đầu tư thứ cấp.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Đặng Thị Thúy Hà
|
Gia Hân