Tiếng Việt | English

09/04/2020 - 19:31

'Niềm tin trợ giúp' - Góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, mô hình “Niềm tin trợ giúp” do phòng Tư pháp phối hợp Hội Luật gia huyện Cần Đước, tỉnh Long An thực hiện hỗ trợ tư vấn pháp luật cho hơn 90 trường hợp thuộc mọi đối tượng; góp phần không nhỏ vào việc phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện, bảo đảm an ninh trật tự địa phương.

Năm 2017, Phòng Tư pháp huyện Cần Đước xây dựng Đề án mô hình “Niềm tin trợ giúp” với mục tiêu tạo điều kiện hỗ trợ cho các thành phần thuộc diện được thụ hưởng chính sách về trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; đồng thời, góp phần ngăn chặn phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện và bảo đảm tình hình an ninh trật tự địa phương.

Việc trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật được thực hiện tại Trung tâm Tư vấn pháp lý (trụ sở tại Văn phòng Tiếp công dân huyện Cần Đước). Năm 2018, khi luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực, mô hình đã được triển khai. 

Văn phòng tiếp công dân huyện Cần Đước cũng là nơi có Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho mọi đối tượng

Phó Chủ tịch Hội Luật gia huyện Cần Đước - Huỳnh Thanh Phơi thông tin: “Trung tâm Tư vấn pháp lý của Hội Luật gia phối hợp các cơ quan chuyên môn, ban, ngành của huyện tư vấn và trả lời thắc mắc của mọi đối tượng. Đối với những trường hợp có vấn đề phức tạp, Trung tâm sẽ nỗ lực phối hợp cơ quan chức năng và trả lời sớm cho người dân".

Được biết, trong số 93 trường hợp được Trung tâm Tư vấn pháp lý hỗ trợ thì có 42 trường hợp thuộc diện miễn phí. Theo ông Phơi, nhiều người dân sau khi được tư vấn đã rất biết ơn trung tâm vì được tư vấn hợp tình, hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Danh, phụ trách đội dân quân tự vệ ấp Xóm Mới, xã Tân Lân, huyện Cần Đước cho biết: “Thời gian qua, qua hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho đối tượng chính sách tại Hội Luật gia huyện, nhiều người dân của ấp được tư vấn, chủ yếu là thủ tục hành chính. Hoạt động này cũng góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân, nhìn chung, trên địa bàn ấp gần đây không xảy ra tình trạng tranh chấp, kiện tụng”.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp Long An, qua mô hình “Niềm tin trợ giúp”, hiệu quả của việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật được nâng cao. Công tác này cũng được lãnh đạo huyện Cần Đước đặc biêt chú trọng. Việc tiếp nhận, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật được thực hiện công khai, đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân, từ đó giúp người dân thêm tin tưởng, tự nghiên cứu pháp luật và nắm bắt được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và người khác.

Ông Lê Văn Tuấn cho biết thêm: “Phát huy kết quả từ mô hình “Niềm tin trợ giúp”, sắp tới, Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện Cần Đước đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, nhất là tổ chức đến tận cơ sở để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân”

Theo Luật Trợ giúp pháp lý, những đối tượng được trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật miễn phí: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Ngoài ra, còn có người thuộc một trong các trường hợp sau đây mà có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 đến dười 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người; người nhiễm HIV./.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết