Tuyên truyền về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh
Những hệ lụy khó lường
Tình trạng MCBGT khi sinh dẫn đến những hệ lụy khó lường về an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội trong tương lai, tác động mạnh đến quy mô DS khi DS nữ giảm mạnh. Từ đó, làm mất ổn định cấu trúc gia đình, tác động xấu đến KT-XH. Gia tăng MCBGT khi sinh là gia tăng sự bất bình đẳng, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tảo hôn tăng, bạo hành giới, buôn bán dâm, buôn bán phụ nữ cũng như tỷ lệ tội phạm liên quan đến tình dục ngày càng tăng.
Trưởng phòng DS-KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành - Phạm Văn Lý cho biết: “Nguyên nhân MCBGT khi sinh là do tâm lý muốn có con trai nối dõi tông đường, kinh tế phát triển nên nhiều gia đình muốn sinh đông con để “vui cửa, vui nhà”. Do áp lực phải sinh con trai nên nhiều cặp vợ chồng tìm đến dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi. Người dân chưa thấy được hệ lụy tình trạng MCBGT khi sinh. Công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm chính sách DS, siêu âm chẩn đoán lựa chọn giới tính thai nhi còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe”.
Một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGT khi sinh là tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân. Chính vì thế, huyện Châu Thành triển khai nhiều hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về hệ lụy MCBGT khi sinh; tổ chức hội thảo, tập huấn về nguyên nhân, hệ lụy, giải pháp kiểm soát MCBGT khi sinh; tổ chức giám sát về MCBGT tại 13 xã, thị trấn. Từ đó, nhận thức của người dân về chính sách DS-KHHGĐ, bình đẳng giới từng bước nâng cao, góp phần thực hiện quy mô gia đình ít con, nuôi dạy con tốt, nâng cao chất lượng DS.
Chị Võ Thị Phụng (ấp Long An, xã Long Trì, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Dù có con 1 bề là gái nhưng gia đình tôi không đặt nặng vấn đề phải sinh thêm con trai mà chủ yếu là nuôi dạy con tốt, đầu tư cho con ăn học tới nơi tới chốn. Với tôi, con nào cũng là con, miễn sao các con đều chăm ngoan, học giỏi và hiếu thảo là đủ hạnh phúc rồi!”.
Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Thời gian qua, tỉnh thực hiện hiệu quả Đề án Kiểm soát MCBGT khi sinh, xây dựng xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố. Chất lượng DS từng bước nâng lên. Các hoạt động, mô hình nâng cao chất lượng DS triển khai đa dạng.
Theo đó, các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về MCBGT khi sinh bằng nhiều hình thức; duy trì và xây dựng được 69 xã, phường, thị trấn, 801 ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tỷ suất sinh thô giảm từ 13,13‰ năm 2016 xuống ước còn 13,02‰ năm 2018 (bình quân mỗi năm giảm 0,05‰). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 3,12% năm 2016 xuống ước còn 2,7% năm 2018 (bình quân mỗi năm giảm 0,21%), đạt 210% kế hoạch. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ước đến cuối năm 2018 là 0,635% (kế hoạch dưới 0,7%).
Tỉnh tiếp tục duy trì mức sinh thay thế (số con bình quân của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt 2 con/phụ nữ). Tỷ số giới tính khi sinh giảm từ 108 trẻ nam/100 trẻ nữ xuống còn 107,5 trẻ nam/100 trẻ nữ. Tỉnh tiếp tục phấn đấu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Có thể nói, đạt được kết quả trên là nhờ các địa phương triển khai quản lý tốt nhân khẩu và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; thường xuyên đến từng khu dân cư sinh hoạt chuyên đề về DS, xây dựng ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; đồng thời đẩy mạnh chiến dịch truyền thông DS lồng ghép CSSKSS/KHHGĐ, duy trì, nhân rộng các mô hình: CSSKSS/KHHGĐ, câu lạc bộ (CLB) không có người sinh con thứ 3 trở lên, CLB CSSK vị thành niên, CLB gia đình phát triển bền vững, CLB tiền hôn nhân, mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Trần Thị Liễu đề nghị: “Các địa phương tiếp tục đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố, đặc biệt là lồng ghép vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; triển khai có hiệu quả các hoạt động về cơ cấu, quy mô và nâng cao chất lượng DS; tăng cường cung cấp thông tin về bình đẳng giới và hệ lụy MCBGT khi sinh trong cộng đồng”.
Siêu âm nhằm phát hiện sớm các bệnh để điều trị kịp thời
Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác DS trong tình hình mới khẳng định MCBGT khi sinh tại nước ta đang tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Vì vậy, để giảm thiểu tỷ số giới tính khi sinh, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng DS, góp phần phát triển KT-XH địa phương./.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10/2018), các địa phương tổ chức mít tinh tuyên truyền với chủ đề “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”. Nội dung tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy tình trạng của MCBGT khi sinh; phổ biến các luật nhằm nêu cao vai trò phụ nữ trong xã hội hiện nay như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình. Qua đó, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, đặc biệt là các gia đình sinh con một bề là gái.
Tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh như Pháp lệnh dân số; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Quyết định số 468/QĐ-TTg, ngày 23/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGT khi sinh giai đoạn 2016-2025;...
Các hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng đặc biệt là giới trẻ về vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng, bền vững.
|
Trong 2 đợt Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ năm 2018, toàn tỉnh có 24.955 lượt phụ nữ khám phụ khoa, đạt trên 106% kế hoạch; có trên 9.200 ca điều trị, đạt trên 212% kế hoạch; soi tươi 8.455 ca (kế hoạch 438 ca); siêu âm 12.686 ca, đạt 180,87%; test VIA 16.937 ca, đạt 103%.
Về gói KHHGĐ có 49 ca đình sản, đạt trên 31%; dụng cụ tử cung 9.936 ca, đạt trên 88%; thuốc tiêm 1.424 ca, đạt trên 59%; thuốc cấy 303 ca, đạt gần 47%. Về gói nâng cao chất lượng dân số có 3.934 ca sàng lọc trước sinh, đạt 79%; tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân trên 1.800 cặp nam nữ, đạt trên 59%.
Hoạt động truyên truyền được triển khai tích cực. Toàn tỉnh treo 391 băng rôn, phát thanh trên 2.700 lần với trên 17.800 phút; tổ chức 270 cuộc nói chuyện chuyên đề với trên 8.600 người dự; 1.068 cuộc họp nhóm với gần 17.000 lượt người tham dự; đồng thời thực hiện vãng gia trên 47.300 hộ gia đình, tư vấn tại điểm khám trên 9.900 lượt người, phát trên 11.500 tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền.
|
Quang Nguyên - Thùy Minh