Người đã đi xa, nhưng di sản Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta là vô cùng đồ sộ và quý giá: Đó là thời đại Hồ Chí Minh; Sự nghiệp Hồ Chí Minh; Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta.
Đối với báo chí, Người cũng là tấm gương sáng để thế hệ những người làm báo học tập, noi theo, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người làm báo học Bác đức tính cần cù, tận tụy, hết lòng, hết sức vì công việc chung, vì nước, vì dân. Mục tiêu lớn nhất của người cách mạng nói chung, những người làm báo nói riêng chính là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chính vì xác định rõ mục tiêu hoạt động nên người làm báo luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành với Đảng và nhân dân, không dao động trước những khó khăn, thách thức, không suy thoái, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước âm mưu của các thế lực thù địch.
Trong giai đoạn hiện nay, những mặt trái, tiêu cực của kinh tế thị trường, nhiều cám dỗ từ cuộc sống đã và đang tác động đòi hỏi người làm báo phải giữ gìn sự thanh liêm, giữ “tâm sáng, bút sắc” để không bẻ cong ngòi bút. Đồng thời, người làm báo phải luôn chính trực, ngay thẳng, bảo vệ công lý, đạo lý, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Nhà báo phải thượng tôn pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của nhà báo.
Phong cách Hồ Chí Minh là gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, nhà báo phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, trở thành những người có văn hóa, “tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”. Viết báo là để cung cấp thông tin, tuyên truyền, định hướng cho nhân dân, do vậy, nhà báo phải lấy đề tài từ đời sống nhân dân để có những sản phẩm báo chí trung thực, khách quan, mang tính thời sự.
Cũng qua lăng kính báo chí, nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến, điển hình, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong Học tập và làm theo gương Bác được thông tin, có sức lan tỏa trong xã hội để nhân lên cái đẹp, dẹp cái xấu; qua đó cũng khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và mong muốn cống hiến, phụng sự đất nước trong mọi tầng lớp xã hội.
Nền Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 96 năm hình thành và phát triển. Con đường phát triển của báo chí cách mạng sẽ còn nhiều thời cơ lẫn khó khăn, thách thức cùng nhiều sự cạnh tranh khác. Vì vậy, để làm tốt vai trò của người “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, những người làm báo phải luôn vững tâm, yêu nghề, cống hiến bằng nhiệt huyết, đam mê. Đặc biệt, mỗi nhà báo phải không ngừng học tập, trau dồi để hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu của xu hướng báo chí hiện đại. Và tất nhiên, việc học và tu dưỡng, rèn luyện của mỗi phóng viên, nhà báo phải gắn với việc học và làm theo gương Bác./.
Tân An