Tiếng Việt | English

14/08/2018 - 18:05

Nỗi lo sạt lở: Bài 1 - Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân. Theo ngành chức năng, tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP.Tân An.

Theo ngành nông nghiệp, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dòng chảy trên các sông lớn thay đổi dẫn đến tình trạng sạt lở diễn ra rất nhanh. Tại nhiều địa phương, mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân.

Nhiều năm qua, khu vực kênh Nước Mặn, huyện Cần Đước, xảy ra nhiều vụ sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Nhiều năm qua, khu vực kênh Nước Mặn, huyện Cần Đước, xảy ra nhiều vụ sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Huyện Tân Trụ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở nhiều năm qua. Hàng chục căn nhà bị nứt, sụp lún; nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Võ Kim Thuần, tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn huyện Tân Trụ, nhất là các khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Các xã: Đức Tân, Tân Phước Tây và Nhựt Ninh thường xuyên xảy ra sạt lở với mức độ hàng năm lấn sâu vào bờ từ 1-3m, chỗ sâu nhất 30m, làm ảnh hưởng một số ao tôm, đất sản xuất nông nghiệp.

Tại xã Nhựt Ninh, sạt lở tại bờ sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, đoạn từ ranh xã Đức Tân đến cống Rạch Cá, xảy ra với mức độ nghiêm trọng, chiều dài khoảng 600m, ảnh hưởng trực tiếp khoảng 200-300 hộ dân. Trong đó, có 2 đoạn sạt lở sát nhà dân, chính quyền địa phương vận động người dân di dời.

Tại xã Đức Tân, sạt lở xảy ra nghiêm trọng tại sông Vàm Cỏ Tây, đoạn từ bến đò Tham Nhiên đến rạch Tham Nhiên, dài khoảng 700m; đoạn từ cống Thôn Thành đến bến phà Tham Nhiên, dài khoảng 700-800m, gây thiệt hại một số đầm tôm, ao cá của người dân. Còn tại xã Tân Phước Tây, nguy cơ sạt lở ven sông Vàm Cỏ Đông, đoạn bến đò Bến Bạ với khu vực ảnh hưởng dài khoảng 45m.

Theo ngành nông nghiệp, các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP.Tân An, mức độ sạt lở cũng không kém phần nghiêm trọng. Điển hình như các vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn huyện Cần Đước, tại khu vực kênh Nước Mặn. Ngày 11/7/2017, trong lúc gia đình ông Trà Văn Khôi (ngụ ấp Long Hưng) đang ngủ thì một phần đất, nhà ở và tài sản bất ngờ lọt xuống sông, thiệt hại gần 70 triệu đồng. Đầu năm 2018, tại ấp Bà Nghĩa, xã Tân Chánh, cũng xảy ra 1 vụ sạt lở làm sập hoàn toàn nhà bếp và nhà vệ sinh của 1 hộ dân; còn nền nhà sau bị sụp lún nghiêm trọng.

Tại huyện Bến Lức, từ đầu năm đến nay xảy ra 3 vụ sạt lở lớn tại đê Nam kênh Xáng Lớn, xã Lương Hòa; sạt lở đê sông Bến Lức, xã Thạnh Phú và tại sông Bến Lức, khu vực xã An Thạnh. 3 vụ sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến gần 1.000 hộ dân, có đoạn sạt lở sâu 15-40m, chiều dài 500m.

Tại TP.Tân An, mặc dù chưa xảy ra sạt lở nghiêm trọng nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp, nhiều khu vực trên sông Vàm Cỏ Tây, nếu không được gia cố kịp thời thì nguy cơ sạt lở trên diện rộng sẽ xảy ra. Trong đó, phải kể đến khu vực Vịnh Đá Hàn, thuộc ấp Đạo Thạnh, xã Hướng Thọ Phú, do nước xoáy tạo hàm ếch hướng vào tuyến đê Hướng Thọ Phú, gây sạt lở dài khoảng 300m, có khoảng 27 nhà dân nằm trong vùng nguy hiểm. Khu vực ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, do cửa cống mở nước chảy xiết gây xói mòn âm thầm, làm sạt lở đất của các hộ dân đang sinh sống tại khu vực này, chiều dài sạt lở khoảng 500m.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam - Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành, quá trình khảo sát tại các điểm sạt lở cũng như thăm dò cho thấy, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nghiêm trọng, đặc biệt là trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và sông Cần Giuộc,... Theo tốc độ diễn biến sạt lở như hiện nay, nhiều khu vực sạt lở sẽ lấn sâu vào khoảng 2-3m mỗi năm./.

(còn tiếp)

Bài 2: Canh cánh nỗi lo

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích