Tiếng Việt | English

16/08/2018 - 15:36

Nỗi lo sạt lở: Bài cuối - Phải có giải pháp phòng, chống

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân. Theo ngành chức năng, tình trạng sạt lở còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP.Tân An.

Khu vực ven thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở ven sông Cần Giuộc

Khu vực ven thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở ven sông Cần Giuộc

Dù đa số điểm sạt lở xảy ra trong nhiều năm qua nhưng ngành chức năng, địa phương chỉ dừng lại ở việc cảnh báo, di dời, hỗ trợ, còn giải pháp lâu dài để phòng, chống sạt lở vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.

Mỏi mòn chờ vốn hỗ trợ

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên chế độ dòng chảy của các sông lớn trên địa bàn tỉnh thay đổi, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa. Đối với những đoạn sạt lở nhỏ, việc khắc phục, xử lý dễ. Các điểm sạt lở lớn tại kênh Nước Mặn, đoạn nối giữa sông Vàm Cỏ và sông Cần Giuộc; sạt lở ven sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, xã Long Hậu và ven thị trấn Cần Giuộc; các điểm sạt tại huyện Bến Lức, Tân Trụ, việc khắc phục hết sức khó khăn.

Sau nhiều lần kiến nghị, hiện nay, Trung ương đồng ý hỗ trợ và chuẩn bị triển khai thi công xây dựng kè tại huyện Cần Giuộc, Đức Huệ và đưa vào danh mục đầu tư kè tại phường 5, TP.Tân An. Phần lớn dự án còn lại vẫn phải chờ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương. Đơn cử như khu vực sạt lở kênh Nước Mặn, huyện Cần Đước, mặc dù giai đoạn năm 2012-2013 được Thủ tướng tạm ghi danh mục đầu tư nhưng do Trung ương không cân đối được nguồn vốn nên đến nay, công trình này vẫn chưa triển khai.

Tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp nhưng để thực hiện các giải pháp phòng, chống, tỉnh phải phụ thuộc vào nguồn vốn từ Trung ương.

Giải pháp lâu dài là xây dựng kè chống sạt lở

Giải pháp chống sạt lở về lâu dài là xây dựng kè. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam - Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành, ngành chuyên môn tỉnh cần nghiên cứu, lập bản đồ dự báo nguy cơ sạt lở để có định hướng cảnh báo, di dời người dân, đưa ra giải pháp công trình hoặc phi công trình chống sạt lở. Ngoài ra, trên các tuyến sông, kênh chính có nguy cơ sạt lở, ngành chức năng cần xây dựng ranh giới hành lang bảo vệ bờ sông và cơ chế quản lý nghiêm, không để người dân tự phát xây dựng nhà trên hành lang bảo vệ bờ sông. Bởi, ngoài ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy thì việc xây dựng nhà trái phép bên các dòng sông, tuyến kênh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở diễn biến nhanh hơn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: “Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp như hiện nay, trước mắt, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cắm biển báo khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, đồng thời vận động người dân di dời đến nơi ở khác nhằm hạn chế ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng. Về lâu dài, ngành tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xây dựng giải pháp công trình và phi công trình chống sạt lở. Cụ thể, trên sông Cần Giuộc, đã đề xuất và được Thủ tướng phê duyệt hỗ trợ 80 tỉ đồng làm kè chống sạt lở đoạn ấp 4, xã Long Hậu và đoạn thị trấn Cần Giuộc; kè chống sạt lở ở thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ đã được phê duyệt và sắp triển khai thi công; kè ở phường 5, TP.Tân An cũng được đồng ý đưa vào kế hoạch xây dựng. Ngoài ra, ngành tiếp tục khảo sát, đề xuất xin hỗ trợ vốn xây dựng công trình chống sạt lở trong thời gian tới./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết