Long An được Trung ương đánh giá là điểm sáng về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trong cả nước. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm mạnh, chỉ còn 3,3% trong năm 2016. Số con trung bình của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ổn định mức 2 con trong thời gian dài. Phong trào thực hiện KHHGĐ phát triển mạnh, rộng khắp đến tận vùng sâu, vùng xa. Mô hình gia đình ít con trở thành tiêu chí văn hóa, ý thức trong đời sống xã hội. Chất lượng DS được quan tâm với nhiều chương trình, dự án được triển khai: Sàng lọc trước sinh, sơ sinh, sức khỏe sinh sản vị thành niên, sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, tầm soát ung thư cổ tử cung,... Có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo về DS - sức khỏe sinh sản/KHHGĐ được các ngành, đoàn thể triển khai, cho thấy tính xã hội hóa rộng lớn của phong trào này.
Tuy nhiên, vấn đề đáng báo động là tỷ số giới tính khi sinh liên tục tăng trong những năm gần đây: Năm 2015 là 104,82 trẻ sinh nam/100 trẻ sinh nữ; năm 2016 là 108,55 nam/100 nữ; đến tháng 5-2017, tỷ số này là 108,9 nam/100 nữ. Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, nếu xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, đến năm 2050, chênh lệch số lượng nam và nữ ở Việt Nam sẽ từ 2,3 triệu người đến 4,3 triệu người, nghĩa là sẽ có ngần ấy nam giới gặp khó khăn khi tìm vợ.
Nếu tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục tăng thì trong tương lai sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Đó là sự phá vỡ cấu trúc DS, dẫn đến tình trạng “nam thừa, nữ thiếu”; thay đổi cấu trúc trong lực lượng lao động, tiêu dùng, thiếu lao động phục vụ trong những ngành mà phụ nữ có ưu thế hơn nam giới. Không chỉ tác động đến an sinh xã hội, mất cân bằng giới tính còn tác động đến trật tự, an toàn xã hội. Đó là tình trạng tảo hôn, hiếp dâm, mại dâm, bắt cóc, mua bán phụ nữ, trẻ em gái,... Nhiều thanh niên đến tuổi trưởng thành nhưng không thể kết hôn vì không tìm được bạn đời; phải đầu tư nhiều công sức, tiền của cho hôn nhân. Nhiều nam giới không lập gia đình gây phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống.
Mất cân bằng giới tính do nhiều nguyên nhân: Tư tưởng trọng nam - khinh nữ, sự can thiệp của khoa học - kỹ thuật giúp chọn lựa giới tính, sức ép của đời sống kinh tế, giáo dục,... Muốn giải quyết vấn đề này, phải vừa kết hợp giữa giải pháp truyền thông, pháp luật và chính sách; tăng cường tuyên truyền nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ, có chính sách bình đẳng giới và xử lý nghiêm tình trạng can thiệp bằng kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi. Việc này phải được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể; phải làm ngay và làm tích cực, quyết liệt. Nếu chần chừ thì trong tương lai, chúng ta phải mất nhiều nguồn lực, phải trả giá cho những hệ lụy từ mất cân bằng giới tính khi sinh./.
Kim Quy