Tuyên truyền là biện pháp hiệu quả để thay đổi nhận thức của người dân trong công tác KHHGĐ.
Trước đây, tuy chính quyền địa phương luôn chú trọng tuyên truyền về những hệ lụy của việc sinh nhiều con, thế nhưng, hầu hết người dân trong xã vẫn chưa quan tâm, tuân thủ. Sau đó, kể từ khi chuyển sang trồng thanh long, kinh tế của các hộ dân hầu hết đều ổn định, dư dả... Đây là những nguy cơ rất cao dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3.
Cán bộ DS-KHHGĐ xã Bình Quới- Lê Văn Tài thông tin, để hạn chế nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên, công tác tuyên truyền, thuyết phục các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai nhằm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân về công tác DS-KHHGĐ là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị...
Ban DS-KHHGĐ xã được củng cố do Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Trưởng trạm Y tế làm phó ban, cán bộ chuyên trách xã và mạng lưới cộng tác viên (CTV) Dân số, gia đình và trẻ em (gọi tắt là CTV) ở 5 ấp gồm 11 người bảo đảm hoạt động thường xuyên, tích cực theo dõi tình hình biến động dân số trên địa bàn. Mặt trận, đoàn thể đều có kế hoạch tham gia thực hiện công tác DS-KHHGĐ, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia, đồng thời có biện pháp xử lý cán bộ, đoàn viên, hội viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Ngoài ra, công tác dân số còn được lồng ghép chặt chẽ cùng các phong trào ấp văn hóa, gia đình văn hóa. Hội Liên hiệp Phụ nữ tích cực phát động phong trào chi tổ hội không có người sinh con thứ 3 trở lên, phong trào phát triển kinh tế gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Ban Chỉ đạo lập kế hoạch tuyên truyền vận động đối tượng quản lý, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, đặc biệt là những đối tượng khó tiếp xúc, CTV phải chủ động khi có cơ hội thuận lợi thì sẽ tuyên truyền, vận động hoặc tranh thủ sự ủng hộ của người có uy tín trong gia đình, xã hội.
CTV ấp Kỳ Châu – Nguyễn Thị Tố Cầm cho biết: “Địa bàn tôi quản lý gồm 134 hộ, trong đó có 49 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Địa bàn của tôi đã 3 năm liền không có người sinh con thứ 3. Do đời sống người dân đa số đều khá giả, thu nhập ổn định nên việc sinh thêm con rất dễ xảy ra. Tôi phải đặc biệt chú trọng tuyên truyền những người già trong gia đình nhằm làm thay đổi tư tưởng muốn đông con cháu, có cháu trai nối dõi để không gây áp lực cho con cháu trong gia đình”.
Ban DS-KHHGĐ xã tăng cường tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin như hệ thống loa, đài xã; thảo luận nhóm, tiếp xúc cá nhân, vãng gia hộ gia đình thường xuyên và trong các đợt chiến dịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng các gia đình có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên. Các cặp vợ chồng có con một bề chưa thực hiện KHHGĐ sẽ được tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp.
Vợ chồng anh Lưu Trung Sơn (sinh năm 1977, nhà tại ấp Kỳ Châu) đã có 2 con. Anh cho biết: “Thời gian qua, gia đình tôi thường xuyên được CTV vãng gia, tuyên truyền về những hệ lụy của việc sinh nhiều con. Vợ chồng tôi cũng chủ động thực hiện các biện pháp tránh thai để KHHGĐ. Với tôi, chỉ cần 2 con thì nuôi dạy sẽ tốt hơn, có điều kiện lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.”
Phát huy những kết quả đã đạt, xã Bình Quới sẽ tiếp tục cố gắng duy trì, giữ vững thành tích của năm 2016. Công tác DS-KHHGĐ được Đảng ủy, chính quyền địa phương xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với các tiêu chí xây dựng xã văn hóa. Thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ sẽ góp phần ổn định phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân./.
Ngọc Mận - Phạm Ngân