Chụp đến khi nào ưng ý thì thôi
Tham gia Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh từ năm 1992, đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Chánh Thi (Chi hội phó Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh) có trên 30 năm cầm máy. Ông là một trong những người tiên phong theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật tại huyện Bến Lức, cùng nhiếp ảnh trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Với ông, niềm vui sáng tác, mong muốn có tác phẩm ưng ý chưa bao giờ vơi. NSNA Chánh Thi chia sẻ, với người theo đuổi nhiếp ảnh nghệ thuật thì mỗi sản phẩm ưng ý được xem như đứa con tinh thần. Người NS luôn cố gắng để “đứa con” ấy hoàn hảo nhất. Việc chụp đi, chụp lại cùng một bối cảnh hàng chục lần là chuyện bình thường của NSNA.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chánh Thi (ảnh: NVCC)
NSNA Chánh Thi khẳng định: “Dù bối cảnh đó ở xa hay gần, khi muốn có ảnh đẹp, tôi đều trở lại, không vì đường sá xa xôi mà ngần ngại. Muốn có được bức ảnh đẹp, có hồn thì người chụp cần am hiểu nơi mình chụp. Lui tới, quan sát, cảm nhận là cách tốt nhất để hiểu”. Khi đã hiểu, người NS sẽ có những ý tưởng hỗ trợ phù hợp cùng góc chụp độc đáo, tạo ra những bức ảnh có tính nghệ thuật cao nhưng vẫn giữ được sự tự nhiên, chân thật cho bối cảnh và nhân vật. Hỗ trợ tạo bối cảnh đẹp, tìm kiếm góc chụp mới lạ luôn là những việc làm hết sức kỳ công, đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ còn chưa phát triển.
Tác phẩm Nguyện cầu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chánh Thi đoạt giải B giải Ảnh xuất sắc do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức
Ngày nay, NS được công nghệ hỗ trợ nhiều trong quá trình sáng tác. Sự ra đời của flycam giúp NS chụp được những bức ảnh từ trên cao với cái nhìn bao trùm, lạ mắt. Tuy vậy, NSNA Chánh Thi vẫn miệt mài tìm kiếm các góc chụp mới mẻ từ góc thấp, bởi ông tin rằng, mỗi vị trí chụp ảnh đều có cái hay riêng. Khi người chụp tìm được góc đẹp, chọn đúng thời điểm có ánh sáng thích hợp và bắt được khoảnh khắc của nhân vật thì bức ảnh chắc chắn sẽ có hồn, thu hút. Phần xử lý hậu kỳ cũng sẽ giúp bức ảnh được hoàn hảo, thể hiện rõ nét hơn ý đồ của NSNA.
Sống cùng nhân vật
Giống như nhiếp ảnh, để tạo nên một thước phim đẹp, người quay phim cần có tài năng, sự tinh tế, gần gũi để am hiểu đất và người nơi mình đến quay. Có kinh nghiệm quay phim trên 20 năm, anh Lê Văn Tài (phóng viên quay phim của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) từng có nhiều tác phẩm tạo được hiệu ứng xã hội cao. Khác với phát thanh hay báo in, ở truyền hình, hình ảnh đặc biệt được chú trọng và có vai trò quyết định trong việc thu hút khán giả.
Anh Lê Văn Tài nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông năm 2022 với tác phẩm truyền hình Tân An dấu tích xưa
Để sản phẩm truyền hình trở nên đặc sắc, hấp dẫn thì từng góc quay, cảnh quay phải vừa đẹp, vừa chân thật, hình ảnh liền mạch, đầy đủ. Công thức nghe có vẻ đơn giản nhưng để làm được điều đó đòi hỏi nhiều sự kỳ công. Muốn có những thước phim chân thật, người quay phim phải hiểu về nhân vật, sự kiện, chọn đúng thời điểm sự việc diễn ra. Muốn vậy, người quay phim cần lui tới nhiều lần, đôi khi phải ở lại, “sống cùng nhân vật”. “Thời điểm những năm 1990, đường sá đi lại còn khó khăn, muốn đến khu vực Đồng Tháp Mười làm phóng sự, chúng tôi phải chuẩn bị hành trang ở lại nhà nhân vật, có khi vài ngày, có khi cả tuần. Cũng nhờ gắn bó nhiều với nhân vật, chúng tôi có thời gian chọn góc quay, cảnh quay, đặt cảm xúc của mình vào từng khung ảnh” - anh Tài chia sẻ. Khi đã hiểu nhân vật và bối cảnh, người quay phim có đủ thời gian chăm chút từng khung hình, góc máy, có tư duy hình ảnh mạch lạc và mạnh dạn sáng tạo nhằm mang đến sự mới mẻ cho tác phẩm của mình.
Từng là người quay chính loạt phóng sự Hành trình khám phá nổi tiếng một thời, anh Tài có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các cảnh quay giới thiệu về một địa phương, vùng đất. Hành trình khám phá đưa anh Tài cùng các đồng nghiệp đi khắp các tỉnh, thành từ Cà Mau đến Cao Bằng. Khi chương trình khép lại, anh Tài tự hỏi bản thân rằng đã biết gì về quê hương mình. Vậy là loạt chương trình Hiểu nơi ta ở chính thức lên sóng. Phóng sự Tân An dấu tích xưa - tác phẩm giúp anh Tài nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông năm 2022 cũng thuộc chương trình Hiểu nơi ta ở.
“Dặn mình làm tốt hiệm vụ được giao”
Để có được bức ảnh đẹp với khoảnh khắc đắt giá hay đoạn phim đậm tính nghệ thuật là chuyện chẳng dễ dàng gì. Thế nhưng, vẫn có những người cùng lúc thực hiện cả 2 nhiệm vụ: Chụp ảnh, quay phim và vẫn luôn theo đuổi mục tiêu có được những sản phẩm hoàn hảo nhất.
Công tác tại Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhiệm vụ của anh Võ Ngươn Kiết là chụp ảnh, quay phim phục vụ công tác tuyên truyền. Các sản phẩm của anh được đăng trên Trang thông tin điện tử của ngành Y tế, in thành tờ rơi tuyên truyền đến người dân, cộng tác cùng báo chí để đưa thông tin cần thiết đến với người dân và lưu trữ làm tư liệu tại đơn vị. Hiểu rõ nhiệm vụ của mình, anh Ngươn Kiết luôn đặt ra mục tiêu phấn đấu là mỗi bức ảnh, thước phim đều phải đẹp, chân thật và truyền tải được thông điệp về y tế. Đó là yêu cầu gần như khắc nghiệt dành cho người phải “một tay 2 máy” như anh. Tuy nhiên, vì đã xác định mục tiêu nên anh Ngươn Kiết luôn có cho mình những giải pháp.
Anh Võ Ngươn Kiết (công tác tại Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn sẵn sàng cùng các đoàn công tác của ngành Y tế có mặt tại các “điểm nóng” để làm nhiệm vụ chụp ảnh, quay phim phục vụ công tác tuyên truyền
Anh Ngươn Kiết chia sẻ: “Tôi thường bấm máy quay ngay khi sự việc bắt đầu diễn ra. Trong quá trình quay, nếu nhân vật ít hoạt động, tôi đặt máy quay lên chân máy và bắt đầu chụp ảnh. Để có thể đoán chính xác thời điểm cần chụp ảnh, tôi buộc phải nghiên cứu kỹ về quy trình làm việc của các y, bác sĩ cũng như loại dịch bệnh mà mình đang tuyên truyền”.
Theo đó, anh Ngươn Kiết đọc các tài liệu chuyên ngành, theo các đoàn y, bác sĩ trong quá trình làm việc. Sau khi hiểu rõ, anh dành thời gian tư duy về khoảnh khắc, góc máy, ánh sáng,... để cho ra đời những bức ảnh, thước phim như ý.
Anh Võ Ngươn Kiết luôn sẵn sàng cùng các đoàn công tác của ngành Y tế có mặt tại các “điểm nóng” để làm nhiệm vụ chụp ảnh, quay phim phục vụ công tác tuyên truyền
Một đặc điểm của việc chụp ảnh lúc bác sĩ đang làm việc chính là người chụp ảnh không được phép làm ảnh hưởng đến bác sĩ. Khoảnh khắc khi đã trôi qua sẽ không thể nào diễn lại. Hình ảnh sử dụng vào mục đích tuyên truyền bắt buộc không được can thiệp, xử lý bằng phần mềm chỉnh sửa. Mỗi lần bấm máy là một lần cẩn trọng và chuẩn xác. “Thực ra, bức ảnh hay thước phim sử dụng vào mục đích tuyên truyền không có bất kỳ đòi hỏi hay quy chuẩn cụ thể nào nhưng tôi luôn dặn mình làm tốt nhiệm vụ được giao” - anh Ngươn Kiết cho biết.
Tác phẩm Những mũi tiêm đầu tiên của tác giả Ngươn Kiết, đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Ảnh nghệ thuật Long An quê hương tôi
Với những nỗ lực hết mình đã mang đến cho anh Ngươn Kiết “quả ngọt” khi nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải cao trong các cuộc thi ảnh chuyên ngành, thi ảnh nghệ thuật,... Anh Ngươn Kiết chia sẻ thêm: “Tôi rất vui khi được làm công việc này. Có thể kịp thời mang đến cho người dân những hình ảnh đẹp, thu hút, chứa đựng thông tin hữu ích, tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi tin, hình ảnh là điều đầu tiên tạo ấn tượng với bạn đọc nên khi nhìn một hình ảnh thú vị, họ sẽ dừng lại để xem ảnh và đọc thông tin”./.
Quế Lâm