Sáng 14/5, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán Sứ, Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Liên Chi Hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016) và Hội thảo “Đạo đức nghề báo và Kỹ năng tự bảo vệ khi tác nghiệp”.
Tham dự hội thảo có nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; bà Hà Thị Hồng Dương – Trưởng Ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam; cùng đông đảo các nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà báo.
Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam – Nguyễn Chu Nhạc đã phát biểu khai mạc hội thảo, nói lên vai trò và những bước phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt quá trình phát triển của báo chí Việt Nam. Đồng thời, nêu rõ sự cần thiết phải nâng cao nhận thức và ý thức của hội viên trong tác nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ rõ, lực lượng Báo chí Việt Nam hiện đang phải đương đầu, vượt qua những khó khăn và thách thức to lớn. Công chúng có nhiều sự lựa chọn nên các báo chí cạnh tranh giành giật hết sức quyết liệt. Đạo đức nhà báo nảy sinh những vấn đề nổi cộm, còn có những phóng viên tác nghiệp không đầy đủ trách nhiệm, ẩu trong tiếp cận với nguồn tin hoặc sa vào những tiêu cực.
Vì vậy, người phóng viên cần phải nâng cao trình độ, nhận thức. Trong tác nghiệp, cần đưa ra sự thật để bảo vệ đất nước và niềm tin của nhân dân. Người phóng viên cần phải biết cách xử lý thông tin thật nhanh, nhưng không ẩu. Đồng thời, việc bảo vệ thân thể của phóng viên trong khi tác nghiệp cũng cần được chia sẻ.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, bảo vệ tính mạng, thân thể của mình khi tác nghiệp là điều cần thiết nhưng điều quan trọng hơn là bảo vệ thông tin nhà báo thu thập được. Thông tin đó phải chính xác, bổ ích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tại hội thảo hôm nay, BTC đã nhận được tham luận của các chi hội và Hội Nhà báo Việt Nam với nhiều nội dung ý nghĩa về đạo đức, kỹ năng tự bảo vệ khi tác nghiệp của nghề báo như: Đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bác bỏ những điều sai trái (nhà báo Đàm Hoa – VOV1); Sự thật: Lựa chọn của nhà báo (nhà báo Đặng Thị Huệ - VOV4); Đạo đức báo chí tại một số hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới (PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo); Báo điện tử: Nhanh nhưng không ẩu (nhà báo Vũ Hạnh – VOV.VN)…
Cụ thể, trong tham luận của nhà báo Đàm Hoa, Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) nhấn mạnh, đã làm nghề báo, viết báo phải xuất phát từ cái tâm và lòng dũng cảm. Cái tâm là đạo đức, lối sống, cách nhìn có tính nhân văn. Có tâm thì mới có thể phản ánh thông tin một cách trung thực, khách quan sự việc, hiện tượng, con người… không sử dụng những thủ thuật nhằm mục đích câu thính giả, độc giả một cách không trong sáng. Còn lòng dũng cảm được hiểu là sự thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra những quan điểm có tính phản biện cao trong mỗi bài viết, tác phẩm của mình…
Nhà báo Vũ Hạnh
Còn với tham luận “Báo điện tử: Nhanh nhưng không ẩu”, nhà báo Vũ Hạnh, Báo Điện tử VOV đã đưa ra những chia sẻ về nguyên tắc chung của báo chí: Chính xác, khách quan, trung thực.
“Báo điện tử luôn luôn phải chạy đua về thời gian xuất bản. Vị thế của một tờ báo được xác định bởi “sự xuất hiện đầu tiên của thông tin trên tờ báo và tính xác thực của thông tin đó”. Tuy nhiên, nếu phải đặt vào lựa chọn giữa nhanh nhất, sớm nhất với độ xác thực của thông tin thì nguồn tin chính xác quan trọng hơn nhiều so với việc đưa tin sớm nhất” – nhà báo Vũ Hạnh nêu rõ trong tham luận.
Các nhà báo tiêu biểu nhận bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam.
Trước khi diễn ra Hội thảo, lãnh đạo Đài TNVN đã trao bằng khen và kỷ niệm chương của Hội Nhà báo Việt Nam cho các hội viên tiêu biểu thuộc Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam./.
Huy Phương/VOV.VN