Tiếng Việt | English

31/12/2017 - 15:53

Vui, buồn chuyện tác nghiệp

Nhìn lại sau 1 năm công tác, tôi thấy sổ tay của mình dày hơn, số điện thoại trong danh bạ cũng nhiều hơn. Một năm trôi qua cũng là ngần ấy thời gian, tôi cứ đi và ghi chép không ngừng nghỉ để có những tác phẩm đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Vui, buồn chuyện tác nghiệp

Lật từng trang giấy với những dòng chữ ghi vội vàng để kịp đủ thông tin mà người dân hay chính quyền địa phương cung cấp, tôi lại nhớ ngày đó đi công tác với ai, làm đề tài gì và gặp những ai? Họ đối xử với mình ra sao? Có nhiệt tình cung cấp thông tin hay không?... Sổ tay phóng viên cũng như quyển nhật ký ghi lại những kỷ niệm vui, buồn của những người làm báo.

Còn nhớ, những lần tác nghiệp bên ngành Điện, mấy anh nói: “Nay em đi đâu, làm gì thì làm, đến gần trưa gặp bên anh trao đổi rồi dùng cơm trưa với tụi anh!”. Dù có từ chối thế nào cũng không được. Tôi vừa vui vì trưa được “ấm bụng” mà cũng vừa lo vì cảm thấy “phiền người ta quá!”.

Có hôm, tôi về gặp bà Phạm Thị Chéo, gần 80 tuổi, ngụ ấp 3, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Đường đến nhà bà đi khá xa và khó. Bà tuổi cao nhưng thích lao động. Vườn nhà 1,6ha, bà không để mảnh đất nào trống. Bà trồng nào xoài, nào cóc, nào mận, nào ổi,... Bởi, theo quan niệm của bà “tấc đất, tấc vàng”, “cây trồng nào có trái ăn được nghĩa là bán có tiền”. Tôi học được ở bà đức tính chăm chỉ, cần cù, yêu lao động.

Vui hơn là tôi thầm biết ơn các anh, chị dẫn đường. Các anh, chị không ngại khó cùng phóng viên lặn lội đến từng hộ dân, từng nơi mà chúng tôi yêu cầu để giúp phóng viên đủ tư liệu và hình ảnh. Các anh, chị bỏ công, bỏ tiền xăng dẫn chúng tôi đi mà không chút phàn nàn. Đó là những tình cảm thân thương, kỷ niệm mà tôi nhớ mãi.

Có những trang giấy lấy đủ thông tin mà không thể “khai sinh” tác phẩm báo chí. Bởi, khi về đến nhà thì thành viên của gia đình văn hóa ấy gọi điện, không muốn lên báo, đài. Hay có trang giấy chỉ ghi vài dòng ngắn gọn “đi Tân Đông làm vụ người dân phản ánh Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa chưa khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường”. Tôi còn nhớ chuyến đi này, tôi lấy ý kiến người dân, chính quyền địa phương chỉ ghi âm và nhanh chóng gửi những đoạn ghi âm đó lên mail, vì sợ mất. Nếu mất thì uổng công một ngày làm việc mệt nhọc mà còn bị dọa đánh vì tác nghiệp gần nhà máy. Đây là chuyến đi để lại kỷ niệm khó quên đối với tôi trong năm qua. Và còn rất nhiều kỷ niệm khi lật từng trang sổ tay phóng viên với những vui, buồn làm nghề.

Muốn giỏi nghề, phải không ngừng học hỏi

Tôi còn nhớ như in những ngày khi mới bước vào nghề báo, khi ấy, tôi được phân công viết mảng xây dựng Đảng. Có một chút lo lắng, phân vân vì bản thân chưa là đảng viên lại chưa biết rõ lĩnh vực này. Cái gì cũng không biết, kể cả đường đi,... nên lạc đường khi đi công tác là chuyện thường xuyên xảy ra. Tôi tự nhủ, trong cuộc sống, không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng. Mỗi nghề, mỗi công việc đều có những đặc thù, khó khăn riêng và nghề báo cũng vậy. Tuy nhiên, bạn có thể chưa giỏi nhưng bạn phải cố gắng, bất kỳ sự cẩu thả, hời hợt nào trong công việc đều không thể chấp nhận được. Với suy nghĩ đó, tôi xem những thử thách trong công việc là động lực để cố gắng nhiều hơn. 

Khó khăn của những phóng viên trẻ chính là khâu thu thập, xử lý thông tin, tư liệu, nhất là những tài liệu liên quan đến lĩnh vực công tác Đảng thì càng phải cẩn trọng, chính xác. Đối với những đề tài mang tính thời sự, đòi hỏi phóng viên phải nhanh nhạy, thông tin kịp thời đến độc giả. Mặc dù vậy, tôi không cho phép bản thân mình sai sót, dù là nhỏ nhất. Sau mỗi bài viết, tôi đều dành khá nhiều thời gian để đọc đi, đọc lại bài, chỉnh sửa hoàn chỉnh rồi mới gởi cho tòa soạn. Với tôi, nghề báo là nghề luôn luôn mới mẻ, người làm báo muốn giỏi nghề phải không ngừng học tập, rèn luyện, trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, ngoài thời gian đi công tác, tôi tìm hiểu thêm sách báo, các tài liệu liên quan đến lĩnh vực mình đang làm để làm phong phú thêm bài viết.

Dẫu biết rằng, làm báo là phải đối mặt với những khó khăn, vất vả nhưng hầu hết những người theo nghề đều chấp nhận dấn thân để cho ra đời những “đứa con tinh thần” phục vụ bạn đọc. Hơn 4 năm trôi qua với biết bao vui, buồn của “nghề” phóng viên, bản thân tôi vẫn thấy mình được nhiều hơn mất. Những bài viết nhận được lời khen từ Ban Biên tập và độc giả càng thôi thúc tôi cố gắng để hoàn thiện mình hơn qua từng bài viết./.

Ngọc Mận - Hồng Anh

Chia sẻ bài viết