Tiếng Việt | English

26/09/2019 - 10:46

Nông dân Tân Tây phấn khởi vì giá khóm tăng cao

Những ngày qua, người dân trồng khóm ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An vô cùng phấn khởi vì giá khóm tăng cao đột biến. Đây được xem là mức giá “kỷ lục” trong nhiều năm qua khi hiện tại, khóm loại 1 và loại 2 được thương lái thu mua tại ruộng với giá dao động từ 8.000 - 10.500 đồng/trái.

Theo chia sẻ của nhiều người trồng khóm, với giá cao như hiện nay, sau khi trừ hết các khoản chi phí, người trồng khóm sẽ có lãi khoảng 5.000 đồng/trái.

Chị Nguyễn Thị Kim Thảo, ngụ ấp 5, xã Tân Tây chia sẻ: “Nếu năm trước, khóm loại 1 và loại 2 có giá chỉ khoảng từ 5.000 - 6.000 đồng/trái thì hiện tại khóm đã có giá từ 9.500 - 10.000 đồng/trái, nhiều hộ còn được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá trên 10.000 đồng/trái. Do vậy, nông dân trồng khóm ai cũng phấn khởi, sau khi trừ đi chi phí, nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha/năm”.

Giá khóm tăng cao, người dân phấn khởi

Cùng chung tâm trạng như chị Thảo, ông Phạm Văn Vân Trường ngụ cùng địa phương, cho biết, gia đình ông trồng khóm được 7 năm. Hiện, ngoài 2,3ha khóm vừa trồng mới thì gia đình ông còn khoảng 1,5ha khóm đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Từ đầu năm đến nay, thương lái thu mua khóm tại ruộng với giá khá cao, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

“Khoảng 1 tháng nữa, tôi cũng sẽ thu hoạch khóm, năng suất có thể đạt trên 8 tấn/ha và với giá khóm đang cao như hiện nay thì sẽ có lãi khoảng 60 triệu đồng/ha” – ông Trường cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẵn thông tin, Tân Tây là xã được huyện chọn để phát triển thành vùng trồng khóm chuyên canh. Nhìn chung, khóm là loại cây khá dễ trồng, ít bị sâu bệnh, so với các loại cây trồng khác cây khóm chịu được hạn, độ phèn và độ mặn cao nên rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Hiện, Tân Tây có khoảng 90 hộ trồng khóm với tổng diện tích trên 380ha và tập trung nhiều nhất ở khu vực ấp 5.

Theo ông Chẵn đánh giá, nguyên nhân khiến giá khóm liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay là do nhiều diện tích khóm sau nhiều năm khai thác đã già cỗi phải trồng mới nên sản lượng cung cấp cho thị trường chưa nhiều; trong khi đó, sức tiêu thụ khóm trên thị trường đang tăng.

“Giá khóm tăng là động lực để nông dân trồng khóm tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng khóm, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước”- ông Chẵn chia sẻ thêm.

Được biết, hiện nay, gần như toàn bộ diện tích khóm của ấp 5, xã Tân Tây đều nằm trong khu vực đê bao lửng của huyện. Tuy nhiên, để phát triển vùng trồng khóm chuyên canh xã Tân Tây đúng theo quy hoạch thì đến năm 2020, diện tích khóm phải đạt 600ha, do vậy mà việc mở rộng diện tích canh tác khóm là vấn đề đang được các cấp chính quyền và người trồng khóm quan tâm.

Người dân vẫn chưa dám mở rộng diện tích canh tác khóm do lo ngại ngập úng

Song song đó, mặc dù xã Tân Tây đã được đầu tư xây dựng trên 200ha đê bao ngăn lũ và trạm bơm điện, tuy nhiên, theo nhiều nông dân trồng khóm ấp 5, xã Tân Tây cho biết, đến nay trạm bơm điện này vẫn chưa được đưa vào sử dụng do chưa có nguồn điện. Chính vì vậy mà nhiều nông dân dù rất muốn mở rộng diện tích nhưng chưa mạnh dạn đầu tư vì lo ngại mưa lớn hay lũ về có thể bị ngập úng, thua lỗ.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa – Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và UBND xã Tân Tây mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn kỹ thuật xử lý cho khóm ra trái rải vụ cho người dân để bán được giá cao, tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vùng chuyên canh khóm Tân Tây phát triển sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo huyện tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ cho việc phát triển vùng chuyên canh khóm”./.

Bùi Tùng – Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết