Tiếng Việt | English

23/09/2019 - 13:59

Nông dân thu hoạch lúa, “mở đồng” đón lũ

Trên địa bàn tỉnh Long An, hiện lúa Hè Thu bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch gần như dứt điểm. Còn lúa Thu Đông, nông dân bắt đầu thu hoạch, chuẩn bị “mở đồng” đón lũ bồi đắp phù sa và tiêu diệt mầm sâu, bệnh để vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 sản xuất đạt hiệu quả.

Thu hoạch lúa đón lũ

Hiện nay, toàn tỉnh thu hoạch 213.784ha lúa Hè Thu 2019 (gieo sạ 221.936ha), năng suất khô ước đạt 47,3 tạ/ha, sản lượng 1.011.875 tấn. Lúa Thu Đông 2019 đã gieo sạ 37.965ha, đạt 80,4% kế hoạch (47.200ha), bằng 99,6% so với vụ Thu Đông năm 2018. Nhờ thời tiết thuận lợi vào giai đoạn cuối vụ, các trà lúa Hè Thu chín tập trung, tạo điều kiện cho nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Đồng thời, ở nhiều địa phương, nông dân đang khẩn trương thu hoạch lúa Thu Đông sớm để nước lũ vào cho đất nghỉ ngơi vài tháng chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân tiếp theo. 

Nông dân thu hoạch lúa, “mở đồng” đón lũ

Anh Phan Thanh Điền, ngụ xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ các vụ lúa trước, vụ này, nông dân chủ động thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước cho ruộng lúa trong giai đoạn lúa chín chuẩn bị thu hoạch, hạn chế tình trạng nền đất ruộng bị lún và sình lầy, tạo thuận lợi đưa máy gặt đập liên hợp và máy kéo lúa vào thu hoạch lúa. Năm nay, nước lũ về khá muộn. Do đó, ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, tôi không gieo sạ vụ 3 mà dọn cỏ, xử lý rơm rạ và xới đất rồi mở bờ bao cho nước lũ vào ruộng để bồi đắp phù sa cho đất, giúp vụ sản xuất lúa tới đây trúng mùa”. Còn ông Trần Văn Năm, ngụ xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Nhờ chủ động áp dụng biện pháp kỹ thuật giúp lúa ít bị đổ ngã và tiêu thoát nước kịp thời cho ruộng lúa, 2ha lúa Thu Đông của gia đình đã thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp thuận lợi. Năng suất lúa tuy không cao nhưng bù lại, giá lúa bán cao hơn 200 đồng/kg so cùng kỳ năm trước”. Cũng theo ông Năm, năm nay, nước lũ về muộn nên sau khi thu hoạch lúa Thu Đông, nông dân sẽ tập trung dọn cỏ, xử lý rơm rạ và xới đất, mở bờ bao cho nước lũ vào ruộng bồi đắp phù sa giúp vụ sản xuất tới được thuận lợi. 

Tại huyện Thạnh Hóa, nông dân đã thu hoạch dứt điểm lúa Hè Thu. Còn lúa Thu Đông đang trong giai đoạn trổ, chín, một số nơi gieo sạ sớm đã cho thu hoạch. Điều phấn khởi là thời điểm này, giá lúa tăng từ 100-200 đồng/kg so với cách đây 1 tuần và nông dân có lãi. Vừa thu hoạch xong hơn 1,2ha lúa (giống OM 4625), ông Phan Văn Trạng, ngụ xã Thạnh An, chia sẻ: “Đầu mùa, lúa bị bệnh đạo ôn gây hại với mức độ nhẹ nên chi phí sản xuất vụ này có tăng. Tuy nhiên, năng suất lúa đạt khá cao, khoảng 5 tấn/ha nên gia đình tôi có lãi khoảng 10 triệu đồng/ha. Hiện tại, tôi đang vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị xả lũ, đón phù sa, nhưng đang lo lũ năm nay thấp ảnh hưởng đến vụ Đông Xuân sắp tới”. Ông Phan Văn Nguyên, ngụ cùng địa phương, nói: “Thời điểm này năm trước, hơn 1ha lúa của gia đình tôi gần như mất trắng do bị sâu năn. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thuận lợi từ khi lúa trổ cho đến nay nên nông dân thu hoạch trong điều kiện không khác gì so với vụ Đông Xuân, từ đó năng suất lúa cũng được nâng lên đáng kể. Nông dân chúng tôi đang sẵn sàng đón lũ về để bồi đắp phù sa và tiêu diệt mầm sâu, bệnh, chuẩn bị vụ lúa Đông Xuân sắp tới”. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Vụ Thu Đông 2019, toàn huyện gieo sạ trên 1.400ha. Hiện lúa trong giai đoạn thu hoạch. Phòng đã nhận được lịch xuống giống vụ Đông Xuân 2019-2020 từ Sở và lên kế hoạch để phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phổ biến lịch thời vụ đến người dân. Tuy nhiên, trước tình hình lũ thấp như hiện nay rất có thể sẽ gây khó cho vụ Đông Xuân sắp tới. Lũ thấp sẽ làm giảm độ màu mỡ của đất và không diệt hết những mầm bệnh còn tiềm ẩn trong đất từ những vụ trước. Do đó, nguy cơ dịch bệnh gây hại ở vụ Đông Xuân sẽ lớn hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa cũng như thu nhập của người dân”.

Bảo vệ tốt lúa Thu Đông

Để bảo vệ và thu hoạch tốt các diện tích lúa Thu Đông 2019, Sở NN&PTNT yêu cầu Phòng NN&PTNT các địa phương hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên; có kế hoạch kiểm tra, giám sát, gia cố đê bao, theo dõi tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất; kịp thời khắc phục ngập úng cục bộ và chủ động chuẩn bị phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa kịp thời. 

Nông dân thu hoạch lúa, “mở đồng” đón lũ

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân gieo sạ lúa vụ 3 ở các khu vực có đê bao vững chắc an toàn, tránh bị ảnh hưởng của lũ. Những diện tích còn lại thì tận dụng nước về nhiều để khuyến khích nông dân xả lũ, lấy phù sa bồi đắp đồng ruộng, diệt mầm bệnh, cải tạo đất. Hiện 2 huyện đầu nguồn là Tân Hưng, Vĩnh Hưng và các địa phương khác trong khu vực như Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa đã có các phương án đón lũ, tổ chức tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, cống dưới đê, đặc biệt là các tuyến đê bao vùng thượng nguồn; chủ động tiêu úng bảo đảm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế từ lũ, nhất là trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ tốt những diện tích lúa Thu Đông đang trong giai đoạn thu hoạch.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Các huyện đầu nguồn của tỉnh đều chủ động phòng, chống thiệt hại do lũ gây ra. Tuy nhiên, năm nay lũ về chậm và cường suất lũ không lớn lắm nên chưa ảnh hưởng gì. Diện tích lúa Hè Thu 2019 tại khu vực Đồng Tháp Mười qua ghi nhận đã thu hoạch gần như dứt điểm, khả năng sẽ không bị ảnh hưởng bởi lũ. Hiện ngành phối hợp các địa phương chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan nắm chắc diện tích, giai đoạn sinh trưởng của lúa trong từng khu vực để có biện pháp bảo vệ; tập trung tuyên truyền để nông dân chủ động phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất; tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu nhằm chủ động gia cố, không nên chờ đến khi lũ dâng cao, có khả năng gây vỡ đê mới thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, thực hiện tốt công tác dự báo, kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh, không chủ quan, lơ là. Đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần lên phương án thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu ở vùng trũng và vùng ngoài đê bao. Ngoài ra, các địa phương bố trí lực lượng tuần tra các tuyến đê bao xung yếu, tăng cường kiểm tra, gia cố ngay những đoạn đê bao, cống đập còn thấp, chuẩn bị các trang thiết bị, máy bơm sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra”./.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đỉnh lũ năm 2019 đến muộn so với trung bình nhiều năm, xuất hiện khoảng nửa đầu tháng 10-2019, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao vẫn có thể xảy ra. Đến ngày 30/9/2019, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,65m (trên báo động1 là 0,15m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m (trên báo động1 là 0,1m), sau đó biến đổi chậm.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết