Tiếng Việt | English

09/05/2016 - 16:40

Nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất

Những năm qua, ngành chức năng tỉnh Long An phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân để tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên khá, giàu. Thông qua các hoạt động đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, quy trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt.

Năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm mở 271 lớp tập huấn, thu hút 6.821 lượt nông dân học tập; tổ chức 27 buổi hội thảo đầu bờ và hội thảo chuyên đề với 887 lượt người tham dự; tổ chức 10 chuyến tham quan thực tiễn các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh, đưa 272 nông dân đi học hỏi kinh nghiệm. Xây dựng được 34 điểm trình diễn, trong đó 4 điểm do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phân bổ. In và phát 30.910 tài liệu kỹ thuật, trang bị cho nông dân,...


Nông dân sản xuất hiệu quả khi áp dụng tiến bộ KHKT

Công tác giống và chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT) cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, luôn được các ngành quan tâm. Có được giống tốt, nông dân sẽ vững tâm hơn trong sản xuất. Trong năm 2015, Trung tâm Khuyến nông thực hiện 24 điểm trình diễn với giống lúa triển vọng (AGPPS 103; OM10447-2; TRL368; OM221) tại các huyện Đức Hòa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Huệ. Xây dựng và duy trì mạng lưới nhân giống cung cấp giống đạt phẩm cấp lưu hành giống với tổng diện tích 170ha. Bình quân, mỗi vụ cung cấp 850 tấn lúa giống xác nhận nguyên chủng cho nông dân.

Mô hình “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI” tại ấp 6, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ được triển khai trên quy mô 60ha, với sự tham gia của 90 hộ dân, gieo sạ 2 giống chính là RVT (51,4ha) và Nàng Hoa 9 (8,6ha). Tham gia mô hình này, nông dân thay đổi hẳn nhận thức về phương pháp canh tác lúa, sạ thưa 100 – 120 kg/ha thay vì 140 – 170 kg/ha như trước đây. Khuyến khích sử dụng giống xác nhận để gieo sạ.

Ông Lê Tấn Dũng, ngụ xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ cho biết: “Nhờ đó, nông dân giảm được các chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong khi năng suất đạt hơn bình thường từ 500 kg đến 1 tấn/ha, giá bán cao hơn thị trường 300 – 500 đồng/kg. Bên cạnh đó, nông dân ứng dụng KHKT vào trong sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất”.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi tôm trên địa bàn tỉnh được sự hỗ trợ của các ngành chức năng áp dụng nuôi tôm theo hướng VietGAP, tạo sản phẩm thủy sản bảo đảm chất lượng và phát triển theo hướng bền vững. Nhằm giúp người dân nuôi tôm nâng cao trình độ sản xuất, nắm vững cao biện pháp phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Long An xây dựng 5 mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng quy trình VietGAP tại xã Phước Vĩnh Tây (3 điểm) và xã Phước Lại (2 điểm), huyện Cần Giuộc.Yêu cầu cụ thể của mô hình là ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ thâm canh theo quy trình VietGAP.

Thông qua xây dựng mô hình trình diễn, trung tâm tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan để giới thiệu mô hình rộng rãi đến các hộ nuôi tôm khác được biết và áp dụng. Điểm mới lần này là các mô hình áp dụng phải đạt tối thiểu 80% theo bộ tiêu chí VietGAP và có ít nhất 1 hộ đạt đầy đủ tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận VietGAP.Hiện nay tôm được nuôi nhiều ở các huyện như: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành. Trong đó, các chỉ tiêu chính cần thực hiện bao gồm: mật độ thả nuôi 80 con/m2, hệ số thức ăn 1.3, cỡ tôm thu hoạch khoảng 30 con/kg, đạt năng suất tối thiểu 10 tấn/ha. Với phương pháp nuôi mới này, nhiều mô hình VietGap trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã cho thu nhập đến 300 triệu đồng với diện tích 5.000m²/vụ, tăng hơn 50 triệu đồng so với nuôi ngoài mô hình.

Ông Cao Văn Linh, ngụ xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành cho biết: “Với hàng ngàn ha diện tích nuôi tôm nước lợ ở trên địa bàn tỉnh, việc hướng dẫn nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình VietGap sẽ giúp cho người nuôi có hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí. Việc ghi chép đầy đủ các thông tin chế độ ăn, loại thức ăn, thuốc thú y, thuỷ sản hoá chất dùng trong suốt quá trình nuôi sẽ giúp cho sản phẩm tôm thẻ của người nuôi thực hiện được việc cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây là mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ít sử dụng thuốc kháng sinh, chất hóa học, tạo ra sản phẩm sạch có lợi cho sức khỏe con người và cho hiệu quả kép về kinh tế và môi trường”.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Phạm Phú Hùng cho rằng: “Long An là một tỉnh thuần nông nghiệp với diện tích sản xuất lúa rất lớn, bên cạnh đó còn nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ. Vì vậy để sản xuất hiệu quả, trung tâm không ngừng tăng cường ứng dụng KHKT cho nông dân. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông từ khuyến nông sinh kế sang khuyến nông sản xuất hàng hóa trên cơ sở tập trung theo hình thức hợp tác sản xuất và gắn kết người dân với các dịch vụ đầu vào và đầu ra của thị trường theo chuỗi giá trị. Đồng thời, Trung tâm sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cho người dân"./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích