Trước khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi TPP được thực thi, sẽ có 4 cơ hội và 1 thách thức đối với ngành nông nghiệp. Ngày 4/2 vừa qua, 12 quốc gia tham gia Hiệp định TPP đã cùng chính thức ký kết Hiệp định tại New Zealand. Vậy ngành nông nghiệp nước ta cần làm gì để giành lợi ích từ những cơ hội và vượt qua thách thức đó?
4 cơ hội, 1 thách thức
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 4 cơ hội mà TPP mang lại cho nông nghiệp Việt Nam là: Thứ nhất, nông sản nước ta giảm phụ thuộc vào một số thị trường, linh hoạt cơ cấu xuất nhập khẩu trong nông nghiệp. Thứ hai, giảm mạnh thuế đối với hàng nông sản sẽ tăng cơ hội cho một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta vào các thị trường lớn. Thứ ba, tăng cơ hội thu hút đầu tư lớn vào nông nghiệp, giúp Việt Nam tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thứ tư, thúc đẩy tái cấu trúc nền nông nghiệp, góp phần đưa công nghệ mới, quản lý mới vào nông nghiệp.
Còn một thách thức lớn TPP tạo ra với nông nghiệp Việt được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) chỉ ra là trường hợp ngành chăn nuôi nguy cơ chịu thiệt hại nhiều nhất từ TPP.
Phân tích rõ hơn những cơ hội và thách thức trên, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn, cho hay: Việt Nam được đánh giá có khả năng cạnh tranh tốt nhất về nông nghiệp trong TPP. Hiện nhiều sản phẩm nông sản thường xuyên đứng tốp 5, tốp 10 trên thế giới (như gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su, thủy sản, đồ gỗ, nội thất). “Cơ hội lớn nhất là việc mở cửa thị trường các nước giúp tăng mạnh xuất khẩu nông sản”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để có thể hưởng lợi, trước hết, theo ông Tuấn, nông sản của ta cần đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng để có thể thâm nhập sâu, rộng hơn vào các thị trường mới, nhất là các nước vẫn có thể đòi hỏi các điều kiện riêng cho các mặt hàng nhạy cảm.
Bên cạnh đó, trường hợp ngành chăn nuôi khi vào TPP, theo TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, thách thức nhiều nhất là phải cạnh tranh với các sản phẩm từ các nước ở TPP khác trên thị trường nội địa từ Mỹ và Canada (lợn, gà), Australia và New Zealand (bò thịt, sản phẩm sữa).
Cơ hội mà TPP mang lại rõ hơn cả, theo ông Tuấn, là đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Một số nước không có lợi thế về nông nghiệp, khi giảm hàng rào bảo hộ nông nghiệp, có thể họ sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam. Khi đó, bên cạnh tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống, giúp chúng ta hòa nhập với chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần tăng lượng nông sản xuất khẩu.
Sản xuất phải theo hướng thị trường
TPP đã chính thức có hiệu lực, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, công việc phía trước là Việt Nam cần tận dụng tốt nhất cơ hội, phải xử lý được nguy cơ từ TPP. Đó là phải quyết liệt hơn theo hướng thị trường và cạnh tranh quốc tế, chất lượng, giá trị gia tăng cao, chuẩn bền vững.
Muốn vậy, ông Tuấn khuyến nghị, cần tổ chức lại sản xuất, liên kết các bên để tăng hàm lượng khoa học công nghệ, chế biến, quản lý chất lượng và thương hiệu sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo uy tín cho nông sản Việt trên thị trường thế giới. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư từ doanh nghiệp (cả trong nước và nước ngoài), đặc biệt là khoa học công nghệ nông nghiệp.
Quan điểm của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn là: Nhà nước cần tạo môi trường thông thoáng, ổn định, minh bạch cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Nhà nước tập trung làm một số khâu để hỗ trợ doanh nghiệp như: đàm phán quốc tế, khơi thông, phát triển thị trường… hoặc một số hạ tầng lớn, cơ bản để khi các đối tác đầu tư vào dễ dàng hơn (giải phóng mặt bằng, đất đai…..) để doanh nghiệp yên tâm. Đặc biệt, cần đồng thời xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác với quy mô lớn; đẩy mạnh các doanh nghiệp trong nông nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tiến, Đại học Quy Nhơn, để tận dụng những cơ hội và giảm thiểu tác động của các thách thức mà TPP mang lại, cần phát huy hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước. Đó là, khi thị trường có những diễn biến phức tạp, Nhà nước cần kịp thời tác động để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, người nông dân cũng như người tiêu dùng mà không vi phạm đến các điều khoản đã ký kết trong TPP hoặc các FTA.
Khi các sản phẩm của các quốc gia khác có dấu hiệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc có những dấu hiệu phá giá, Nhà nước cần có các cuộc điều tra làm rõ và xử lý kịp thời, tránh cho người tiêu dùng Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng hay để mất thị phần trong nước.
Nhà nước cũng cần hoàn thiện hơn các cơ chế, chính sách để khuyến khích một nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ban hành các điều luật xử phạt đối với những hành vi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp không an toàn làm mất uy tín cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời nên ban hành và hoàn thiện các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam, khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế.
Phải xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt
Để có thể cạnh tranh được trên thị trường, cũng theo ông Tiến, phải xây dựng được thương hiệu cho nông sản Việt Nam, đặc biệt trước mắt là các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, hạt tiêu, điều, cà phê. Để có được điều đó thì phải chú trọng ngay từ khâu chọn giống, chăm sóc cây trồng vật nuôi tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế; thu hoạch tỉ mỉ và tuân theo quy trình; chế biến và đóng gói sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đẹp mắt. Đồng thời cần đăng ký thương hiệu sớm cho các sản phẩm có chất lượng tốt để dễ dàng xử lý khi có những kiện tụng, tranh chấp xảy ra về vấn đề bản quyền, thương hiệu.
Một điểm quan trọng khác, theo ông Tiến, cần hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Để không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, đặt biệt là Trung Quốc thì cần phải thực hiện một số biện pháp như: Các nhà máy sản xuất phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật… phải có những bước tiến mới như đầu tư vào máy móc thiết bị, vùng nguyên liệu đầu vào để cung cấp trước hết là cho thị trường trong nước, sau đó hướng tới việc xuất khẩu qua các thị trường tiềm năng khi Việt Nam đã gia nhập TPP.
Tăng cường hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các giống cây trồng vật nuôi do chính Việt Nam sản xuất để hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài. Thực sự nâng cao chất lượng sản phẩm cho các sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp và đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nông dân, tránh tâm lý sính hàng ngoại làm đẩy mức nhập khẩu nguyên liệu tăng cao./.
Xuân Thân/VOV.VN