Tiếng Việt | English

28/03/2017 - 09:47

Nông sản vào thị trường TP.HCM: Cửa không hẹp

Trong khuôn khổ của các cuộc xúc tiến thương mại nông sản giữa Long An và TP.HCM, các đầu mối tiêu thụ rau quả của TP.HCM khẳng định, khi nông sản của Long An có đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc thì rất dễ tiêu thụ tại thị trường TP.HCM.

Cánh cửa không hẹp

Hiện ngành nông nghiệp của tỉnh bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại nông sản: Thanh long, chanh, rau ăn lá, khoai mỡ, lúa,… Theo thống kê, Long An sản xuất khoảng 187.000 tấn rau màu/năm rau; 160.000 tấn thanh long/năm; 108.000 tấn chanh/năm; 30.400 tấn khoai mỡ/năm…


Một khi sản phẩm có đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc thì “cánh cửa không hẹp” khi tiêu thụ cho các nhà phân phối lớn TP.HCM

Để đạt được sản lượng trên, thời gian qua các sở, ngành tích cực phối hợp nông dân đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cũng được tập trung thực hiện thông qua các giải pháp về đổi mới phương thức canh tác theo mô hình cánh đồng lớn, ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Từ đó đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ngày càng có nhiều tín hiệu tích cực.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, tuy Long An đang trong quá trình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn là nguồn thu nhập chính của đại bộ phận nông dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm do nông dân làm ra không ổn định. Tình trạng này khiến hàng hóa nông sản dễ đi vào điệp khúc “được mùa mất giá” và nông dân có thu nhập không cao. Vì vậy, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức cũng như tham gia các cuộc xúc tiến thương mại giữa 2 địa phương Long An và TP.HCM giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận các đơn vị đầu mối thu mua nông sản.

Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Satra - Nguyễn Phúc Khoa cho rằng, Long An đang có rất nhiều lợi thế để tiêu thụ nông sản với TP.HCM. Chính vì vậy các cơ quan chức năng nên hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn. Một khi chất lượng hàng hóa tốt, nguồn cung dồi dào thì Satra tạo điều kiện tốt nhất để thu mua, bao tiêu các mặt hàng có chất lượng, giúp nông dân tăng thu nhập.

Cũng theo ông Khoa, các mặt hàng nổi tiếng về chất lượng của Long An mà các địa phương khác không thể sánh kịp là thanh long, chanh không hạt, rau ăn lá và đặc biệt là rau gia vị.

Vì vậy, Long An nên tập trung các sản phẩm thế mạnh để sản xuất và định hình, quy hoạch vùng sản phẩm, thông qua xây dựng thương hiệu. Sắp tới, Satra tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ, nếu nguồn nông sản ở Long An dồi dào, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… thì Satra không ngại thu mua.

Ngoài Satra, Saigon Co.op, Công ty TNHH San Hà,… cũng cho biết “cánh cửa” giao thương các mặt hàng nông sản với Long An không hẹp - nếu Long An thỏa mãn các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Thực phẩm an toàn không sợ thiếu đầu ra

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Lê Văn Hoàng cho biết, chiến lược 2015-2020, Long An xác định tập trung vào 4 lĩnh vực chính để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong đó lĩnh vực trồng trọt tập trung vào một số loại cây lúa, thanh long, rau, chanh, khoai mỡ, dưa hấu… Chăn nuôi tập trung vào bò, gia cầm và heo; thủy sản có cá nước ngọt, tôm.

Về đầu tư, Long An ưu tiên cho các dự án phát triển hạ tầng, cơ giới hóa, trạm bơm điện, ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng nuôi bò tại 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ; riêng đối với vùng rau VietGAP, Long An mở rộng diện tích lên 6.320ha, trong đó chỉ riêng huyện Cần Giuộc là 1.800ha.

Long An tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nhằm phát triển chuỗi thực phẩm an toàn cung ứng cho TP.HCM

Được tham gia nhiều cuộc xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa TP.HCM và Long An, Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Thịnh (Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng chia sẻ: Để có thể tiêu thụ ổn định sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững không có cách nào khác là mỗi người dân phải liên kết để sản xuất theo hướng an toàn. “Hiện HTX phối hợp nông dân trồng rau theo hướng an toàn. Bình quân mỗi ngày thu hoạch từ 5 - 7 tấn rau ăn lá các loại. Để tính đến chuyện “đường dài”, HTX đầu tư trang thiết bị phục vụ cho sơ chế rau phân phối cho các nhà bán lẻ”. Với trường hợp của HTX Rau an toàn Phước Thịnh, tại cuộc xúc tiến thương mại giữa Long An và Saigon Co.op, đại diện bộ phận thu mua Saigon Co.op cho rằng với năng lực và điều kiện sản xuất như HTX Phước Thịnh thì hội đủ các điều kiện để cung cấp rau cho đơn vị này. Và vị này cũng cho biết, Saigon Co.op mart rất cần các đối tác như HTX Phước Thịnh.

Khi được cầm tận tay trái thanh long sản xuất theo hướng VietGAP và được đóng gói cẩn thận của HTX Thanh long Long Trì, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Satra - Nguyễn Phúc Khoa khẳng định, HTX Thanh long Long Trì đủ điều kiện là đối tác cung cấp thanh long cho Satra bởi sản phẩm được sơ chế khá đẹp, trên bao bì có thể truy suất nguồn gốc. Và hơn hết, khách hành tại TP.HCM rất chuộng thanh long có xuất xứ từ Long An.

Sản xuất rau an toàn thực phẩm

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức khẳng định, Long An tiếp tục hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nhằm phát triển chuỗi thực phẩm an toàn cung ứng cho TP.HCM từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến phân phối. Đây cũng là một trong những thỏa thuận Hợp tác phát triển KT-XH giữa TP.HCM và tỉnh Long An giai đoạn 2016 -2020./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết