Mỗi ngày, căn nhà nhỏ của nghệ nhân Hồng Cúc đều vang tiếng đờn, ca, nơi đây trở thành điểm sinh hoạt dành cho giới tài tử
Mải miết với đam mê
“Trời ơi, ta tím mật bầm gan khi một dải giang san vẫn ngập tràn trong máu lửa...” (trích Khí phách Nguyễn Trung Trực), câu vọng cổ khí phách hiên ngang vang lên trong con hẻm nhỏ (phường 5, TP.Tân An) hòa với tiếng rao đờn dìu dặt, ngân nga. Đó dường như là thói quen của những người say mê ĐCTT trong thành phố. Bên ly cà phê sáng, mọi người san sẻ cùng nhau câu hát, tiếng đờn, vừa thỏa đam mê, vừa để thấy nghệ thuật truyền thống của quê hương vẫn dồi dào sức sống.
Chị Giản Thị Kim Phương (phường 2, TP.Tân An) vui vẻ nói: “Là người Long An nên chúng tôi luôn chọn những bài hát cũng đậm chất Long An. Anh chị em tập hợp ở đây như một thói quen, vì say mê ĐCTT và cô chủ quán này!”.
“Cô chủ quán” mà chị Phương nhắc đến chính là Nghệ nhân dân gian Hồng Cúc. Cả cuộc đời cô dường như chỉ có một đam mê và mục tiêu theo đuổi, đó là câu hát, tiếng đờn. Từ nhỏ, cô đã say sưa với những trích đoạn cải lương tuồng cổ. Mỗi lúc tan trường, cô học trò nhỏ thường nán lại sân trường để nghe hết vở cải lương trước lúc về nhà.
Lớn hơn một chút, cô nhiệt tình có mặt trong các buổi liên hoan đờn, ca trong xóm, ấp, nhưng thành kiến “xướng ca vô loài” luôn là trở ngại với cô. Gia đình cấm đoán và ngăn cản nhưng cô vẫn âm thầm nuôi dưỡng đam mê. Cho đến khi “cơ duyên” đưa cô tham gia đoàn văn công giải phóng, biểu diễn phục vụ bộ đội ta trên các chiến khu. Từ đó, cô được “học hành bài bản” về ca hát, biết nhạc lý và cách biểu diễn. Đó là nền tảng để sau này nữ nghệ nhân truyền dạy nghề cho nhiều lớp học trò cũng như tự mình mày mò học cách chơi đờn cho thỏa đam mê.
“Ươm mầm” cho nghệ thuật truyền thống
Nữ nghệ nhân chia sẻ: “Từ năm 2003, tôi chính thức mở lớp dạy ĐCTT. Lúc đó, tôi mới biết bộ môn nghệ thuật này mặc dù không phát triển rầm rộ nhưng sức sống vẫn mạnh mẽ và được nhiều người yêu thích”. Nhiều học trò của cô trở thành thành viên gắn bó của các câu lạc bộ (CLB) ĐCTT, góp phần tạo nên sức sống bền bỉ của nghệ thuật trăm năm tuổi.
Chị Kim Phương kể: “Trước đây, tôi thích ca hát nên đăng ký học lớp ca tài tử của cô Hồng Cúc. Học xong thì “theo” cô sinh hoạt tài tử luôn. Cô là một trong những người gầy dựng nên phong trào ĐCTT ở TP.Tân An”.
Điều chị Phương nói được minh chứng bằng sự lớn mạnh của CLB ĐCTT TP.Tân An. Không chỉ duy trì sinh hoạt đều đặn, tổ chức nhiều buổi giao lưu cho thành viên, cộng tác viên, người đam mê ĐCTT, CLB còn là đơn vị đoạt nhiều thành tích trong các phong trào, hội diễn trong và ngoài tỉnh, được đánh giá là một trong những CLB nổi bật của tỉnh.
Trước đây, phong trào ĐCTT tại Tân An khá rời rạc vì các tài tử chưa có sự kết nối và nơi sinh hoạt chung. Nghệ nhân Hồng Cúc là người tập hợp, tìm địa điểm sinh hoạt cho CLB. Các lớp dạy hát tài tử của cô cũng góp phần làm cầu nối tài tử và người đam mê ĐCTT với nhau. Đến nay, CLB ĐCTT TP.Tân An đi vào nề nếp và nghệ nhân Hồng Cúc luôn là “chất keo kết dính” các thành viên CLB với nhau. Mỗi ngày, ngôi nhà nhỏ của cô đều vang tiếng đờn, ca, nơi đây trở thành điểm sinh hoạt dành cho giới tài tử. Dù chỉ chơi đờn tranh nhưng trong nhà nghệ nhân Hồng Cúc luôn có sẵn đờn ghi ta, đờn kìm,... để sẵn sàng phục vụ các tài tử đến đờn, ca mỗi ngày.
Nghệ nhân ưu tú Hồng Cúc - nữ nghệ nhân ưu tú thứ hai của tỉnh Long An về đờn ca tài tử
Giờ đây, ở độ tuổi ngoài 60, nghệ nhân Hồng Cúc vẫn miệt mài với đam mê của mình. Cô mở nhiều lớp dạy hát và duy trì sinh hoạt đờn, ca cũng như tham gia nhiều liên hoan, hoạt động trong và ngoài tỉnh. Gần như cả cuộc đời miệt mài với ĐCTT, nghệ nhân Hồng Cúc trở thành gương mặt quen thuộc với giới tài tử tỉnh nhà.
Nói về hành trình của mình, nghệ nhân Hồng Cúc chia sẻ: “Tôi đam mê ĐCTT. Vì đam mê mà tôi say sưa học, chịu khó học bất cứ khi nào có cơ hội. Cũng nhờ đam mê, tôi mới có thể theo đuổi từng ấy năm với bộ môn nghệ thuật này”.
Nữ nghệ nhân mỉm cười, và sự nỗ lực của cô đã được đền đáp xứng đáng khi mới đây, cô cùng 6 nghệ nhân khác trong tỉnh được Nhà nước công nhận Nghệ nhân ưu tú. Thành quả ngọt ngào cho cả hành trình góp công gìn giữ một di sản văn hóa của dân tộc. Sau Nghệ nhân ưu tú Kim Thanh, nghệ nhân Hồng Cúc là nữ nghệ nhân ưu tú thứ hai trong tỉnh. Đó là một điều đáng tự hào!
Phương Phương