Tiếng Việt | English

27/07/2018 - 14:23

Nước mắt mẹ không còn...

Chiến tranh lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ trong lòng những Mẹ Việt Nam Anh hùng vì những đứa con ra đi, đi mãi chẳng về...

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Muôn chăm sóc mộ con

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Muôn chăm sóc mộ con

Tháng bảy về, tôi chợt nhớ lần thực hiện phim tư liệu để nhận bằng kỷ lục tỉnh Long An có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) sống trên 100 tuổi. Buổi sáng, đoàn đến quay phim Mẹ VNAH Trần Thị Muôn, ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, có 3 người con là liệt sĩ. Đến trưa, không thấy mẹ đâu, cả đoàn đi tìm. Mẹ đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng, tỉ mỉ lau bụi, thắp hương trên mộ các con. Đến mộ con trai út - liệt sĩ Nguyễn Văn Hòa, mẹ khóc chẳng thành tiếng. Từng giọt nước mắt lặng lẽ rơi ngược vào tim. Các mẹ sống trên 100 tuổi thường nói “các con hy sinh khi còn trẻ tuổi, để phần đời còn lại cho mẹ sống”. Câu nói làm tôi nhớ mẹ Nguyễn Thị Vĩnh (thường gọi má Hai), ngụ xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, có chồng và 6 người con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nhớ đến má Hai, tôi cảm thấy tiếc vì bị thất lạc tấm ảnh tôi chụp má đang lúi húi lau khung hình con, thỉnh thoảng lại lau những giọt nước mắt. Có lúc, má nấc nhẹ khiến đôi vai gầy trải bao dâu bể cuộc đời rung lên. Nhìn ảnh đôi trai gái trong bức hình với nụ cười tin yêu cuộc sống, má nghẹn ngào: “Tội nghiệp con tui hy sinh khi chưa kịp cưới vợ, gả chồng!”.

Một người bạn, đồng đội cùng “vào sinh, ra tử” với con trai má Hai kể: Người con trai trong bức ảnh là anh Ba Ty - con thứ ba của má. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh là cán bộ Huyện ủy Bến Lức. Thời gian này, anh yêu cô chiến sĩ biệt động thành, bí danh Ba Huê. Tình yêu của họ thầm kín, sáng trong và chung thủy. Sau một thời gian quen nhau, anh chị báo cáo với tổ chức. Trong lúc tổ chức chuẩn bị làm lễ tuyên hôn cho anh chị tại căn hầm bí mật ở căn cứ Tràm Bà Vụ thì hay tin, anh Ba Ty bị địch phục kích, hy sinh trên đường đi công tác. Từ đó, chị Ba Huê vẫn xem anh Ba Ty là chồng. Những ngày má Hai vừa hoạt động cách mạng, vừa nuôi và bảo vệ cháu nội, cháu ngoại còn thơ dại vì cha mẹ chúng đều hy sinh, chị Ba Huê thường tìm cách thăm má với những món quà nho nhỏ gói cả tấm lòng dâu thảo. Rồi, trước ngày giải phóng chẳng bao lâu, chị cũng ngã xuống trên chiến trường miền Đông Nam bộ”.

Hòa bình, má Hai đưa cháu về nhà cũ, vườn xưa và quyết tìm tung tích con dâu. Khi hay chị Ba Huê hy sinh, má vô cùng đau đớn, tiếc thương. Biết gia đình cô gái biệt động thành Ba Huê ở khu Láng Cò (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa), má Hai mừng vui, mua chút lễ vật, đến nhà thưa chuyện cùng má chị Huê. Hai bà mẹ gặp nhau, kể rõ mọi chuyện, rồi ôm nhau khóc, sau đó tổ chức đám cưới cho đôi trẻ bằng một lễ thức theo tín ngưỡng dân gian. Từ đó, hàng năm, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, hai bà mẹ lại làm mâm cơm tưởng nhớ hai con - liệt sĩ Ba Ty và liệt sĩ Ba Huê và đến với nhau trong tình thông gia. Hôm tôi ghé thăm đúng vào dịp này, má Hai ngồi thu mình trên chiếc xe lăn và lặng lẽ khóc. Gian nhà bếp vọng lên tiếng hát trên truyền hình: “Nước mắt mẹ không còn, vì khóc những đứa con. Lần lượt ra đi… đi mãi mãi...”./.

* Mẹ VNAH Trần Thị Muôn đã mất khi quá tuổi trăm. Mẹ Nguyễn Thị Vĩnh đang còn sống, hiện đã 108 tuổi.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết