Chưa phát huy được thế mạnh
Việc NTTS tại vùng Đồng Tháp Mười có từ lâu đời và mang lại hiệu quả kinh tế nhất định nhưng đa phần người dân nuôi theo hướng tự phát, nhỏ, lẻ, không đồng bộ nên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Các mô hình phổ biến hiện nay là nuôi cá trong ao đất, nuôi trên ruộng lúa hay nuôi lồng, vèo trên sông, kênh vào mùa nước nổi với các loại cá: Lóc, trê, tra, rô phi,... nhưng chỉ dừng lại ở mức bán thâm canh hay kết hợp VAC để tăng thu nhập vì còn thiếu vốn, đầu ra chưa ổn định, kỹ thuật nuôi chưa cao,....
Số hộ nuôi thủy sản mùa lũ giảm đáng kể do lũ thấp, lượng cá mồi không đủ
Ông Ngô Văn Thống, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Thời gian qua, nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân cải thiện thu nhập. Gia đình tôi có khoảng 2.000m2 mặt nước nuôi cá tra, cá lóc, trung bình mỗi vụ (từ 12-15 tháng), trừ chi phí thì lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng. Hiện nay, tôi muốn đầu tư mở rộng nhưng rất khó vì thiếu vốn”.
Còn ông Nguyễn Thành Sơn, ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá lóc mùa nước nổi, cho biết: “Nuôi cá rủi ro rất cao, tình trạng “được mùa - rớt giá”, “được giá - mất mùa” thường xuyên xảy ra. Thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng và nông dân phải tự tìm đầu ra”.
Từ năm 2014, quy hoạch thủy sản vùng Đồng Tháp Mười được tỉnh triển khai nhằm khuyến khích người dân phát triển NTTS và phát huy thế mạnh của vùng. Theo đó, mỗi năm, các địa phương được hỗ trợ hàng chục tỉ đồng đầu tư NTTS. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh cho biết, năm 2019, toàn huyện có hơn 1.000 hộ dân nuôi thủy sản với diện tích hơn 300ha, 210 lồng, vèo chủ yếu là cá tra, trê, lóc, rô phi,... với sản lượng hơn 2.500 tấn. Để hỗ trợ nông dân, các ngành chức năng huyện tổ chức các cuộc hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng mô hình trình diễn và dạy nghề nhằm trang bị kiến thức cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, diện tích NTTS nước ngọt tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường. Đa số nông dân nuôi theo hình thức nhỏ, lẻ. Năm 2019, toàn vùng thả nuôi được 2.458/2.570ha; thể tích nuôi lồng, vèo gần 15.000m3 với sản lượng trên 39.000 tấn. Từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi được 389/2.850ha; thể tích nuôi lồng, vèo 500/15.500m3, đã thu hoạch với sản lượng hơn 9.000 tấn.
Nông dân thua lỗ nặng khi ươm cá tra giống
Thời gian gần đây, giá cá tra thương phẩm tăng cao, nhiều nông dân và doanh nghiệp mở rộng diện tích nuôi khiến nhu cầu cá giống tăng mạnh và dẫn đến tình trạng nông dân ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang đào ao ươm nuôi cá tra giống. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng”, không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên cá xảy ra nhanh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi và sự phát triển kinh tế nông nghiệp không bền vững tại các địa phương.
Nhiều hộ ươm cá tra giống “treo” ao do giá cả xuống thấp
Hơn 2 năm trở lại đây, nông dân các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường “đua” nhau chuyển hơn 3.500ha đất trồng lúa hai và ba vụ thành ao nước để ươm nuôi cá tra giống. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp huyện Tân Thạnh, năm 2017, toàn huyện có khoảng 20ha ươm cá tra giống, năm 2018 tăng lên trên 600ha và năm 2019 trên 1.300ha. Sự phát triển nhanh chóng làm cho nhiều hộ thua lỗ nặng. Tương tự, tại huyện Tân Hưng, sau hơn 2 năm, có 1.037 hộ chuyển đổi gần 1.800ha đất lúa sang đào ao ươm cá giống. Hệ quả là toàn huyện có gần 70% số hộ nuôi thua lỗ, huề vốn.
Khoảng 1 năm trở lại đây, giá cá tra giống giảm nhiều, chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg (loại từ 30-35 con/kg) nên người nuôi bị thua lỗ. Tại một số địa phương, người dân đã “treo” ao, một số san lấp để trồng lúa trở lại. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến thời điểm này, có 183ha ao đã san lấp để trồng lúa hoặc chuyển sang trồng cây khác.
Hơn 2 năm trước, thấy nông dân trên địa bàn đào ao ươm cá tra giống có lời, anh Nguyễn Văn Trầm, ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, quyết định đào 6ha đất sản xuất lúa của gia đình thành ao ươm cá tra giống. Theo anh Trầm, lúc khởi điểm nuôi, môi trường nước tốt, ít xảy ra dịch bệnh, chi phí vật tư thuốc thú y thủy sản thấp, gia đình nuôi có lợi nhuận. Tuy nhiên, qua nhiều vụ, dịch bệnh trên cá xảy ra nhanh, chất lượng cá bột giảm, tỷ lệ ươm thành công thấp, tốn nhiều chi phí cho vật tư thuốc thú y thủy sản dẫn đến thua lỗ nặng. Hơn 2 năm (khoảng 10 vụ) thả nuôi, gia đình anh Trầm lỗ gần 1 tỉ đồng. “Do giá cá giảm trong thời gian dài nên tôi quyết định lấp hơn 4ha ao để trồng lúa, số diện tích còn lại bỏ không mấy tháng nay, chờ khi giá cá tăng trở lại tiếp tục đầu tư thả nuôi, hy vọng gỡ gạc lại vốn” - anh Trầm nói.
Ngoài một số diện tích người dân đã san lấp lại để trồng lúa, nhiều diện tích hiện ngưng nuôi (treo ao) do giá cá thấp, diện tích đang ươm nuôi là 1.700ha, diện tích chưa nuôi (treo ao) là 1.600ha.
Nông dân san lấp ao để trồng lúa
Để phát triển ổn định, bền vững
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do nông dân thiếu kiến thức, kỹ thuật; chất lượng con giống không bảo đảm, nuôi tự phát không theo quy hoạch; giá cả không ổn định,... Thời gian tới, địa phương có hướng tận dụng các ao này, chuyển đổi nuôi các loại giống cá khác phù hợp, khuyến cáo nông dân chọn thời điểm nuôi thích hợp, tìm mối liên kết để có đầu ra ổn định. Các ngành chức năng huyện tăng cường tổ chức hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng mô hình trình diễn và dạy nghề, đồng thời quy hoạch vùng nuôi.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, việc NTTS mùa lũ giảm đáng kể trong thời gian qua do lũ thấp, nguồn thủy sản (cá tạp làm thức ăn cho cá nuôi) không dồi dào như trước, lợi nhuận không cao, thậm chí thua lỗ. Thời gian tới, để việc nuôi cá hiệu quả, nông dân cần liên kết (tổ hợp tác, hợp tác xã) nhằm hợp tác với các doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu để sản xuất giống đạt yêu cầu doanh nghiệp đặt ra. Đồng thời, chuyển đổi nuôi các loại thủy sản khác (cá lóc, trê, rô,...) hay cây trồng khác như sen, mè,... nhưng cần tìm hiểu thị trường, tránh tình trạng “cung vượt cầu”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, để phát triển thủy sản vùng Đồng Tháp Mười cần đẩy mạnh nuôi, trồng theo hướng tập trung trên các diện tích ao với các loại chủ lực: Cá tra, rô phi, cá lóc, trê,...; phát triển nuôi cá mùa nước nổi với mô hình nuôi lồng, bè, vèo trên sông, kênh theo hướng bảo vệ môi trường. Để thủy sản trở thành thế mạnh của vùng, cần phát triển sản xuất theo hướng ổn định, bền vững. Đồng thời, rà soát, xây dựng vùng nuôi để đầu tư hạ tầng đồng bộ; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển NTTS như xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, tổ chức các hoạt động tiếp thị, xúc tiến thương mại, liên kết chặt chẽ trong sản xuất từ nguồn con giống, thức ăn đầu vào đến đầu ra sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm không chỉ phục vụ nội địa mà còn vươn tới xuất khẩu./.
Văn Đát