Nâng tầm sản phẩm phương
Khu vực Đồng Tháp Mười nổi tiếng với nghề làm mắm cá đồng. Mỗi năm cứ đến mùa nước nổi, người dân thu hoạch rất nhiều cá lóc. Để bảo quản và sử dụng được lâu dài, người dân chế biến món mắm cá lóc và Cơ sở làm mắm Bà Năm Nô (ấp Cả Cỏ, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cũng trở nên nổi tiếng với thương hiệu mắm cá lóc.
Chủ cơ sở mắm Bà Năm Nô - Nguyễn Thị Hương cho biết, qua sự hướng dẫn, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cơ sở của bà thực hiện quy trình OCOP và được chứng nhận OCOP 3 sao vào cuối năm 2022. Sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP giúp cơ sở cải thiện nhiều về vấn đề tiêu thụ, có thêm nhiều khách hàng gần xa và uy tín được nâng lên.
“Trước đây, tôi chủ yếu làm mắm để gia đình dùng. Thời gian sau làm nhiều nên tôi bán cho người dân địa phương. Được khách hàng động viên, tin tưởng nên tôi quyết định mở cơ sở và làm mắm với số lượng lớn để bán. Đến năm 2023, tôi vinh dự đoạt giải Ba cuộc thi Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức” - bà Hương nói.
Chủ Cơ sở làm mắm Bà Năm Nô - Nguyễn Thị Hương (thứ 2, trái qua, hàng đầu) đoạt giải Ba cuộc thi Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp
Bí quyết để Cơ sở làm mắm Bà Năm Nô được ngon là chọn những con cá lóc đồng còn tươi sống, OCOP và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn chuẩn bị gạo làm thính, đường, muối và một số gia vị khác, sau đó bà trộn đều và ủ mắm theo quy trình truyền thống. Bên cạnh đó, cơ sở có một số bí quyết gia truyền để làm ra món mắm cá lóc mang hương vị thơm ngon, đặc trưng làm nên thương hiệu mắm cá lóc Bà Năm Nô. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, cơ sở của bà còn góp phần tiêu thụ cá đồng của người dân và tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.
Sản phẩm mắm cá lóc Bà Năm Nô được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao
Có mặt trên thị trường hơn 40 năm, cơ sở sản xuất, kinh doanh lạp xưởng tươi của anh Lê Hữu Châu (khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) với bí quyết gia truyền, tạo nên món ăn khó quên đối với mỗi thực khách.
Theo anh Châu, để có món lạp xưởng ngon thì người thợ phải chọn những miếng thịt còn tươi nóng, mang về xay rồi ướp với rượu, tỏi, đường, tiêu hột,... Riêng mỡ cũng xắt nhỏ cỡ hạt lựu ướp đường cùng gia vị cho đến lúc mỡ có độ trong mới mang trộn với thịt,... Lạp xưởng tươi không nhiều mỡ, nướng hay hấp ăn phải có cảm giác như ăn một miếng thịt tươi, vị hơi mặn mặn, ngọt ngọt hòa lẫn với mùi tiêu thơm nồng, béo béo, cay cay. Ngoài lạp xưởng làm bằng thịt heo tươi, cơ sở còn sản xuất lạp xưởng tôm đang được ưa chuộng ở khắp các tỉnh, thành phố phía Nam.
Với phương châm kinh doanh “An toàn - chất lượng - hiện đại”, cơ sở của anh từng bước cải thiện năng suất bằng cách ứng dụng máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất. Đồng thời, cơ sở tăng uy tín thương hiệu qua việc đầu tư cải thiện bao bì nâng chất lượng thông qua nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, hợp tác với các cơ sở, công ty cung cấp nguyên liệu đạt chuẩn an toàn thực phẩm, hợp đồng lâu dài với các lò mổ uy tín của địa phương.
Không dừng lại ở đó, cơ sở đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua các gian hàng hội chợ trong và ngoài tỉnh, các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử. Đến nay, thương hiệu đặc sản lạp xưởng tươi Hữu Châu có mặt trên kệ hàng mua bán của các chợ đầu mối trong, ngoài huyện cũng như tại thị trường TP.HCM. Hiện sản phẩm lạp xưởng tươi vị tôm của cơ sở Hữu Châu đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Lạp xưởng Hữu Châu có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh
Hướng đến phát triển bền vững
Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 231 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, có 47 sản phẩm 4 sao, 184 sản phẩm 3 sao, vượt chỉ tiêu kế hoạch số lượng sản phẩm OCOP đến năm 2025 là 71 sản phẩm (231/160).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, nhìn chung, Chương trình OCOP tại tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế, tạo việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trở thành nguồn nội lực quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn bộc lộ một số vấn đề. Đó là các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm đôi lúc thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh tuy có sự phát triển mạnh về số lượng, các nhóm ngành cũng đa dạng nhưng tính ổn định, bền vững chưa cao. Định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, truyền thống ở các địa phương còn chưa được quan tâm, chưa có chính sách, giải pháp phù hợp.
Việc mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Số sản phẩm đạt OCOP nhiều, đa dạng, song phần lớn có quy mô sản xuất mang tính thời vụ, chưa đáp ứng được nhu cầu lớn và thường xuyên của thị trường. Nội lực và khả năng quản trị sản xuất của chủ thể OCOP còn hạn chế. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp,...
Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của sản phẩm OCOP trên thị trường chưa lớn, tiêu thụ sản phẩm còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đối với các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng còn hạn chế do các địa phương mới chỉ tập trung vào hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và nhiều địa phương quan tâm triển khai, kết nối nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP, chưa trở thành giải pháp hỗ trợ tích cực, tạo động lực cho các chủ thể tham gia vào chương trình. Các trung tâm, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh hiện nay còn ít, năng lực và hiệu quả hoạt động chưa cao.
Để phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm OCOP trong nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại. Song song đó, hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thông qua hệ thống kênh thương mại điện tử./.
Song Nhi