Thời gian gần đây, dư luận “nóng” lên với nạn bạo hành trẻ em. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, những thông tin, hình ảnh về nạn bạo hành trẻ em được chuyển tải đến người đọc, người xem, làm dư luận rất bức xúc.
Với những gì diễn ra cho thấy, bạo hành trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa; từ trường học, điểm giữ trẻ đến hộ gia đình,... Có trẻ chưa đến 2 tháng tuổi bị người giúp việc hành hạ; có lớp mẫu giáo tư thục, cô giáo dùng dao, roi, nắm đấm hăm dọa trẻ em;... Điều lạ là những người bạo hành trẻ em hầu hết là phụ nữ - họ cũng có gia đình, con cháu, vì sao lại nhẫn tâm hành hạ trẻ nhỏ? Xem, đọc những thông tin này vừa cảm thấy lo sợ, bất an cho trẻ, vừa căm phẫn bọn người mất nhân tính, hành hạ trẻ thơ vô tội.
Bạo hành trẻ em để lại nhiều di chứng về thể xác, nhất là tâm lý, tinh thần của trẻ, ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành khi lớn lên, chúng sẽ lì lợm và dễ sử dụng bạo lực với người khác.
Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cấp, các ngành luôn tích cực thực hiện khẩu hiệu: “Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai” - chăm lo, bảo vệ trẻ em, chính là chăm lo cho tiền đồ của đất nước, dân tộc. Hàng năm, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu, Nhà nước, xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em,...
Với những tình cảm đặc biệt dành cho trẻ em, chúng ta hết sức phẫn nộ khi chứng kiến những hình ảnh bạo hành, xâm hại trẻ em. Hãy nói “không” với bạo hành trẻ em; phải nghiêm trị những kẻ hành hạ trẻ em; đồng thời xây dựng môi trường thân thiện với trẻ em từ gia đình, cộng đồng, đến xã hội./.
Kim Quy