Họp là công việc thường xuyên và mang tính bắt buộc của mỗi tổ chức. Họp là dịp để tổ chức và cá nhân trao đổi, bàn bạc, kiểm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình, tìm ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm để hướng tới thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc họp, nếu ứng xử thiếu văn hóa thì mục đích cuộc họp không đạt hiệu quả. Thực tế, có không ít cuộc họp xảy ra tình trạng lớn tiếng, gây gổ và có hành vi thiếu văn hóa của một số cán bộ, đảng viên. Một số cán bộ, đảng viên góp ý đồng nghiệp không mang tính xây dựng mà nhằm mục đích soi mói, "vạch lá tìm sâu". Người được góp ý khó chấp nhận và sửa chữa sai sót, mâu thuẫn không được giải quyết mà thậm chí còn tăng lên. Hơn nữa, cũng có trường hợp chẳng xem vai trò người chủ trì ra gì, cứ cãi nhau như chỉ có hai người trong cuộc họp,... và như thế, không khí trở nên căng thẳng, ảnh hưởng rất lớn đến những người khác trong cuộc họp.
Vì vậy, để cuộc họp thực sự là nơi đánh giá, trao đổi, bàn bạc, rút kinh nghiệm đúng ý nghĩa của nó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự trang bị cho mình văn hóa ứng xử nơi công sở, kỹ năng, phương pháp góp ý, phê bình người khác làm sao cho người được góp ý, phê bình thấy được sự tích cực, chân thành của mình trong lời nói.
Từ đó, họ dễ dàng chấp nhận và tích cực sửa chữa. Hơn nữa, người chủ trì, cơ quan lãnh đạo, quản lý phải có biện pháp chấn chỉnh ngay những hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong cuộc họp để vừa răn đe người mắc phải, vừa rút kinh nghiệm cho những người khác./.
Đoàn Xê