Trong cuộc sống hàng ngày có nhiều nơi như ở bệnh viện, nơi bán vé xem thể thao, chỗ bán vé đi xe đò, tàu hỏa, nơi buôn bán hàng có khuyến mãi,... thường xảy ra nhiều vụ chen lấn giành được vào trước, cho thấy hình ảnh không đẹp trong văn hóa ứng xử nơi công cộng của một số người, trong đó có giới trẻ chiếm số khá đông.
Chuyện xếp hàng tưởng chừng chỉ là một việc nhỏ, nhưng qua đó có thể nói lên nhiều điều. Đôi khi, những người sống có ý thức, có văn hóa, tuân theo hàng lối, nhắc nhở người khác thường bị thua thiệt, thậm chí còn bị coi là khác người. Chính tâm lý đó cũng góp phần không nhỏ khiến văn hóa xếp hàng, ứng xử nơi công cộng không được coi trọng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, để ổn định việc này cần tăng cường bố trí nhân viên an ninh, dùng hàng rào tạo thành hàng lối hoặc mời ra khỏi hàng những người có hành vi chen lấn hoặc nhẹ hơn là phải có biển cảnh báo, nhắc nhở ở nơi công cộng.
Những cách làm đó nói chung đều đúng, tuy nhiên vẫn là những biện pháp tình thế, mang tính hình thức. Điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của mỗi người. Mà để thay đổi, tác động được cần một quá trình nghiêm túc, lâu dài, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt và ngay từ trong mỗi gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Người lớn nhất thiết phải làm gương trong hành vi, thái độ ứng xử cho thế hệ trẻ, như cha mẹ với con cái; thầy cô với học trò, anh chị với các em,... Ý thức từ mỗi người sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc chung.
Văn hóa xếp hàng không chỉ thể hiện sự văn minh, ứng xử nơi công cộng mà còn chính là cách thể hiện sự tôn trọng cộng đồng và bản thân mỗi người./.
Tấn Bảo