Công sở là nơi thường xuyên tiếp xúc với người dân, với các cơ quan hữu quan, đồng cấp và cấp trên; cơ sở, trang thiết bị hiện đại nơi công sở chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình làm việc, giao tiếp, quan trọng hơn cả chính là yếu tố con người. Con người sẽ quyết định văn hóa công sở, quyết định sự thành bại, cũng như tạo dấu ấn trong suốt quá trình tổ chức đó hoạt động.
Thế nhưng hiện nay, ý thức xây dựng văn hóa công sở của cán bộ, nhân viên ở không ít cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế: Trang phục không phù hợp khi đến công sở, tác phong làm việc không chuyên nghiệp, chưa giữ vệ sinh chung, hút thuốc lá, thiếu ý thức trách nhiệm với công việc được giao,...
Đáng lo nhất chính là ý thức tôn trọng giờ giấc ở một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Vẫn còn các trường hợp: Cán bộ, nhân viên đi trễ, về sớm; ăn sáng, uống cà phê, tán gẫu, giải quyết việc riêng trong giờ hành chính;... Một thực trạng rất phổ biến cần phải chấn chỉnh ngay, đó là “giờ dây thun”, “ăn gian” giờ công của cán bộ, nhân viên hiện nay! Bởi văn hóa công sở được hình thành từ nhiều yếu tố, một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng nhất, theo tôi chính là “văn hóa đúng giờ”.
Trở thành một nhân viên tiêu biểu, thành đạt, được đồng nghiệp tôn trọng, cấp trên trọng dụng là ước mong đối với nhiều người. Thế nhưng, chỉ một việc nhỏ là tôn trọng giờ giấc làm việc cũng không thực hiện được thì mãi chỉ là một nhân viên bình thường trong guồng quay vội vã cuộc sống mà thôi! Theo tôi, ngoài ý thức tự giác của mỗi người, có nhiều biện pháp khác để khắc phục thực trạng này: Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức những buổi tuyên dương các nhân viên thực hiện tốt; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc những nhân viên còn la cà, thiếu ý thức tôn trọng giờ giấc công việc;.../.
Trọng Tiến