Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso phát biểu với báo giới. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Sau khi người Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các lãnh đạo Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc ngày 24/6 đã đưa ra những phản ứng khác nhau trước quyết định quan trọng này.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso hẳng định chính phủ Nhật Bản “rất quan ngại” về những rủi ro đối với kinh tế thế giới do quyết định rời khỏi EU của Anh (hay gọi là Brexit), đồng thời nói rằng chính phủ sẽ theo dõi tình hình này “nhiều hơn bao giờ hết” và dần thực hiện các biện pháp cần thiết để đề phòng những bất ổn.
Trong một thông cáo ra cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ - ngân hàng trung ương) Haruhiko Kuroda cho biết BOJ “sẵn sàng cung ứng đủ thanh khoản” cho các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ nhằm đảm bảo ổn định các thị trường tài chính."
BOJ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao xem kết quả cuộc trưng cầu dân ý tác động như thế nào đối với các thị trường tài chính toàn cầu, cùng với việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Motoo Hayashi nhận định việc Anh rời khỏi EU cũng có thể ảnh hưởng đến những đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do giữa Nhật Bản và khối này, do đó khó có thể đạt được thỏa thuận trong năm nay.
Sau khi truyền thông địa phương đưa tin kết quả trưng cầu ý dân cho thấy chiến thắng nghiêng về phe ủng hộ Brexit, đồng yen của Nhật Bản đã tăng giá lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, với tỷ giá ghi nhận được tại trưa cùng ngày là 101,77 yen đổi 1 USD.
Các nguồn tin chính phủ cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp vào tối 24/6, với sự tham gia của Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng Tài chính Aso và Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, để thảo luận các biện pháp nhằm ngăn chặn các cú sốc đối với thị trường.
Dự kiến, cuộc họp này cũng sẽ phân tích tác động của Brexit đối với kinh tế thế giới, được cho là nhằm chuẩn bị cho khả năng hợp tác giữa các nước trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), với Nhật Bản là Chủ tịch nhóm G7 năm 2016.
Giới chức Nhật Bản cho biết thêm chính phủ dự kiến thu thập thông tin từ các đại sứ quán Nhật Bản tại các nước châu Âu và tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại khu vực này. Khoảng 1.000 công ty Nhật Bản đang làm ăn tại Anh.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại thị trấn Devonport thuộc đảo Tasmania ở miền Nam Australia, Thủ tướng nước này Malcolm Turnbull khẳng định mối quan hệ của Australia với Anh sẽ duy trì “rất mạnh mẽ và thân thiết”, đồng thời bày tỏ tin tưởng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với EU sẽ không bị tác động xấu bởi Brexit.
Thủ tướng Australia cho rằng sẽ có một giai đoạn biến động và một số bất ổn trên thị trường toàn cầu, nhưng nhấn mạnh “người dân Australia không cần lo lắng trước những diễn biến này.” Ông Turnbull nhận định khả năng tác động đối với các thỏa thuận thương mại của Australia “rất hạn chế” trong ngắn hạn vì Anh sẽ mất một vài năm để đàm phán rời khỏi EU.
Cùng với thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường Australia cũng ngập trong sắc đỏ giảm điểm khi người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, với chỉ số S&P/ASX 200 giảm gần 4% trong phiên giao dịch ngày 24/6./.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, các đảng cầm quyền và đối lập tại nước này ngày 24/6 đã kêu gọi chính phủ đưa ra một kế hoạch nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của việc người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU - Brexit).
Bản tin của Yonhap trích dẫn một tuyên bố của đảng Saenuri cầm quyền có đoạn viết: “Brexit được cho là sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế của thế giới và cả Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cần có hành động nhanh chóng và chính xác đối với diễn tiến này.”
Đảng này cũng nói thêm rằng chính phủ cần phải theo dõi chặt chẽ những thay đổi trong lãi suất cơ bản của Mỹ và xem xét đưa ra các biện pháp nhằm ổn định thị trường trong nước.
Về phần mình, đảng Minjoo - đảng đối lập chính - cũng chia sẻ quan điểm này khi nói rằng vấn đề trên sẽ nổi lên thành một lực cản lớn nữa đối với nền kinh tế của Hàn Quốc. Một tuyên bố của đảng này được trích dẫn có đoạn viết: "Đảng Minjoo kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đưa ra các kế hoạch chi tiết được người dân tin tưởng để đối phó với tình hình."
Trong khi đó, đảng Nhân dân - một đảng nhỏ - cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần chuẩn bị phương án cho các kịch bản khác nhau, kể cả “kịch bản xấu nhất”. Đảng này cũng tuyên bố rằng cần phải có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường khả năng công nghiệp của Hàn Quốc để nền kinh tế nước này có thể vượt qua bất kỳ tình hình khủng hoảng nào ở châu Âu./.
Theo Vietnam+