Tiếng Việt | English

23/12/2020 - 11:10

Pháp luật nghiêm minh nhưng cũng có khoan hồng

Trong mỗi phiên tòa, khi quyết định hình phạt, bên cạnh tính nghiêm minh thì pháp luật vẫn có sự khoan hồng để mỗi bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Ảnh minh họa

Gây họa sau một phút bất cẩn

30 tuổi, Trần Văn Bảo, ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, là lao động chính của gia đình. Đầu tháng 8/2019, trong một lần chở khách, Bảo gây tai nạn do thiếu chú ý quan sát khi lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn qua địa bàn huyện Bến Lức. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng 3 chiếc xe ôtô bị hư hỏng nặng. Sau khi xác minh toàn bộ vụ tai nạn, Bảo bị khởi tố về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp tạm giam mà cho Bảo được tại ngoại điều tra.

Hơn 1 năm sau, phiên tòa được mở tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bến Lức. Bảo đến từ sớm. Nỗi lo lắng và sợ hãi hiện trên khuôn mặt Bảo. Nếu bị tuyên mức án tù giam, gia đình Bảo sẽ lâm vào cảnh khó khăn khi một mình vợ phải nuôi 2 con nhỏ. Sau phần thủ tục và phần xét hỏi nhanh, gọn, vì vụ việc quá rõ ràng, phiên xử bước vào phần tranh luận. Bảo thất thần khi nghe đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt Bảo mức án từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù. Tuy nhiên, ngay sau đó, Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét cho Bảo được hưởng 2 tình tiết giảm nhẹ hình phạt trước khi bước vào phần nghị án.

Hơn nửa tiếng HĐXX nghị án, Bảo càng hồi hộp, lo lắng. Thay mặt HĐXX, chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Nguyễn Đình Đông khẳng định: “Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại về tài sản của công dân. Tuy nhiên, xét hoàn cảnh bị cáo rất khó khăn, là lao động chính của gia đình, đang nuôi vợ và 2 con nhỏ. Mặt khác, hành vi của bị cáo chỉ xâm phạm đến tài sản của người khác với lỗi vô ý do cẩu thả và bị cáo cũng đồng ý bồi thường toàn bộ thiệt hại theo yêu cầu của bị hại. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, nhân thân tốt nên HĐXX xét thấy không cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian nhất định cũng đủ sức răn đe, giáo dục thành công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội”.

Từ đó, HĐXX đã thống nhất cho bị cáo được hưởng án treo với mức án 1 năm tù, thời gian thử thách 2 năm. Mức án này không dài nhưng đủ sức răn đe, giáo dục đối với Bảo, nhất là những chặng đường tiếp theo của nghề tài xế.

Khoan hồng nhưng phải  có tính răn đe

Giữa tháng 3/2020, sau thời gian theo dõi, lực lượng Công an xã Phước Vân, huyện Cần Đước bất ngờ ập vào bắt quả tang nhóm gồm 12 đối tượng, đa số là nữ đang đánh bạc dưới hình thức binh xập xám. Số tiền thu giữ trên chiếu bạc không quá lớn. Trong số các đối tượng bị bắt giữ có 4 người gồm: Cao Thị Đẹp, 34 tuổi; Phan Thị Lá, 39 tuổi; Đặng Thị Huệ, 59 tuổi và Trần Thị Phụng, 44 tuổi, cùng ngụ xã Phước Vân, từng tham gia đánh bạc cùng nhau và bị Công an xã Phước Vân xử phạt vi phạm hành chính vào giữa năm 2019.

Chính vì điều đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cần Đước quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng trên. Sau khi củng cố hồ sơ, cáo trạng truy tố, TAND huyện mở phiên tòa xét xử đối với 4 bị cáo về tội đánh bạc. Ngày ra tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố cho rằng, các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Ngoài ra, các bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên chỉ yêu cầu HĐXX xem xét tuyên phạt các bị cáo số tiền từ 20-30 triệu đồng và không áp dụng hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, xem xét thấu đáo vụ án, HĐXX cho rằng, mặc dù hành vi phạm tội ít nghiêm trọng nhưng trước đó, cả 4 bị cáo đều có một tiền sự khi bị Công an xã Phước Vân xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc trái phép chưa được xóa. Nay các bị cáo lại thực hiện hành vi tương tự cho thấy coi thường quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu chỉ áp dụng hình thức phạt tiền sẽ không đủ sức răn đe và phòng ngừa chung. HĐXX TAND huyện Cần Đước cũng cho rằng, các bị cáo có nơi cư trú ổn định, phạm tội ít nghiêm trọng nên không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội mà áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, giao các bị cáo về chính quyền địa phương để giám sát, giáo dục trở thành công dân tốt. Từ đó, HĐXX TAND huyện quyết định tuyên phạt bị cáo Cao Thị Đẹp, Phan Thị Lá mức án 1 năm cải tạo không giam giữ cùng hình phạt bổ sung 15 triệu đồng mỗi bị cáo; bị cáo Đặng Thị Huệ mức án 9 tháng cải tạo không giam giữ, bị cáo Trần Thị Phụng mức án 6 tháng cải tạo không giam giữ cùng hình phạt bổ sung cho mỗi bị cáo là 10 triệu đồng./.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích