Tiếng Việt | English

10/07/2021 - 13:42

Phát động Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 10/7, Bộ Y tế phối hợp Bộ Quốc phòng cùng các bộ, ngành tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

Đại biểu dự Lễ phát động tại điểm cầu Long An

Điểm cầu Trung ương có Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành dự. Tại Long An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Nguyễn Thanh Hải; Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út dự.

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đánh giá Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh. Chiến lược vắc-xin Covid-19 của Việt Nam tập trung vào việc nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vắc-xin trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vắc-xin cho nhân dân. Dịp này, ông kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long, để sớm đưa vắc-xin về Việt Nam, thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục đàm phán với các tổ chức, các nhà sản xuất vắc-xin từ giữa năm 2020 đến nay, từ đó đã giúp Việt Nam có được hơn 100 triệu liều vắc-xin trong năm 2021 và hướng tới 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm nay và đầu năm 2022. 

Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng các bộ, ban, ngành đã thiết lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất, tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai.

Chiến dịch tiêm chủng lần này có nhiều điểm mới so với chiến dịch tiêm chủng trước đây, trong đó, thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vắc-xin dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng; thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua việc giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng.

Chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng của hàng chục ngàn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ Trung ương đến địa phương; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng,… Bộ Y tế cùng các Bộ quyết tâm thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó, không bỏ phí bất cứ một liều vắc-xin nào và không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam”.

Trong kế hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ, đối tượng tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 trong năm 2021. Đến hết qúi I/2022, trên 70% dân số được tiêm vắc-xin và đặc biệt bảo đảm an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Trước đó, Long An đã tiếp nhận 3 đợt vắc-xin AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ và triển khai tiêm trên 51.000 mũi; trong đó, có trên 50.000 người đã tiêm mũi 1 và trên 1.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. ./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết