Xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015, cho biết: Kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng.
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ 2014), với số tiền 40,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 323 vụ, 806 bị can về các tội danh tham nhũng, truy tố 310 vụ, 697 bị can (giảm 19 vụ, 54 bị can so với năm 2014). Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 260 vụ, 577 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,6 % (năm 2014 là 41,2%).
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887 m2 đất (đạt 29,2%).
Ông Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt 99,5% (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước). Số bản kê khai đã công khai đạt tỷ lệ 98,3% (tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước). Có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, tăng hơn nhiều so với 5 trường hợp được xác minh trong năm 2014, trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực. Đã tiến hành xử lý kỷ luật 2 người.
“Có 23 người đã nộp lại quà tặng với số tiền là 489 triệu đồng. Kết quả này cho thấy việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng có tăng hơn những năm trước nhưng vẫn còn hình thức trong khi tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ và cho rằng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã tăng cường chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, xử lý dứt điểm một số vụ án tham nhũng trọng điểm, phức tạp.
Cơ quan thẩm tra báo cáo cũng đánh giá tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ đã có chuyển biến tích cực; đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với kẻ cầm đầu, chủ mưu; hạn chế việc cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ trong các vụ án tham nhũng… đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, được dư luận đồng tình, góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, công chức và nhân dân.
Phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu kéo dài
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nêu rõ: Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.
“Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, công tác phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng năm nay đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp. Trong các vụ án do Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng điều tra thì tài sản thiệt hại khoảng 268,2 tỷ đồng, thu hồi được 43,9 tỷ đồng, đạt 16,3%. Trên phạm vi cả nước, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt 55,8% giá trị về tiền và 29,2% giá trị về đất.
“Một trong những nguyên nhân quan trọng là kỷ cương quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ”, ông Nguyễn Văn Hiện nêu rõ.
Cùng với đó là số cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để thanh lọc, loại bỏ hoặc trừng trị nghiêm khắc, tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo; bệnh quan liêu, thành tích vẫn nặng nề...
Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, những nguyên nhân đã chỉ ra cần được đánh giá làm rõ, nhất là về trách nhiệm chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp, có hiệu quả trong thời gian tới.
Bên cạnh các giải pháp có tính chất phòng ngừa thì Chính phủ cùng TANDTC, VKSNDTC cần tập trung hơn nữa các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, xử lý thật nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, phúc đáp yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định./.
Ngọc Thành/VOV.VN