Tiếng Việt | English

29/09/2015 - 06:23

Tổng Bí thư chủ trì phiên họp về phòng, chống tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp để đưa thêm những vụ án tham nhũng lớn ra xét xử trong thời gian tới.

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp Phiên thứ 8 để đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ sau Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo đến nay và cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ công tác những tháng còn lại của năm 2015.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Từ sau phiên họp thứ 7 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 4 Bộ và 10 tỉnh, thành phố. Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đang xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng

Thực hiện ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo kết luận tại phiên họp thứ 7, các cơ quan chức năng đã và đang nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó, chú ý hoàn thiện định chế về thu hồi tài sản tham nhũng; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng chống tham nhũng. Đồng thời đề xuất những giải pháp khắc phục tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội...

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế- xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng như việc minh bạch hóa tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính; xây dựng và thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 366 trường hợp có liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái. Trong 6 tháng đầu năm, ngành thanh tra phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi hơn 9 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 9 cá nhân; xử lý hình sự 9 vụ với 7 đối tượng.

Cơ quan điều tra đã khởi tố 82 vụ; Viện Kiểm sát Nhân dân đã truy tố 116 vụ và Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 110 vụ án tham nhũng. Đối với 15 vụ án, 2 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an còn khởi tố, điều tra 3 vụ án trong vụ án Vũ Quốc Hải và đồng phạm; Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã khởi tố 2 vụ án; nâng tổng số các vụ án thành 20 vụ với 224 bị can.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung cho ý kiến, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm nay. Cụ thể là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng; các cơ quan chức năng cần quan tâm chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, cung cấp thông tin về phòng chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí.

Ban Chỉ đạo cũng nhất trí về việc cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật để quản lý kinh tế - xã hội, phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án trọng điểm, tăng cường khâu giám định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng, kinh tế... đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tập trung hoàn thành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại các Bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, thống nhất cao của các cấp, các ngành, đã cùng vào cuộc, triển khai bài bản, nghiêm túc các nội dung kết luận tại Phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng. Chính vì vậy đã tạo những chuyển biến tích cực trên nhiều khâu, nhiều việc như tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng luật pháp, cơ chế chính sách, quy chế làm việc.

Khâu kiểm tra, đôn đốc công việc theo chức năng của các thành viên Ban Chỉ đạo rất rõ, có tác dụng tốt, cả ở Trung ương và địa phương. Qua đó kịp thời tháo gỡ, đôn đốc chỉ đạo xử lý những vướng mắc, trong đó có khâu giám định, thu hồi tài sản…Việc xử lý một số vụ án lớn, phức tạp, nghiêm trọng được thúc đẩy nhanh hơn. Thực tế cho thấy việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có tác dụng ngăn ngừa, răn đe

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị sớm hoàn thiện Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay” trên cơ sở lấy ý kiến các cơ quan chức năng, bảo đảm phù hợp với các Nghị quyết, chủ trương của Trung ương, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, tập trung chủ yếu trong phạm vi phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng. Sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ trình và kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về nội dung này.

Các thành viên nhất trí cao về việc sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư giao Ban Nội chính Trung ương tiến hành công tác chuẩn bị và mục đích của việc sơ kết là nhằm thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tốt hơn, thúc đẩy các địa phương làm ráo riết, quyết liệt hơn, nhất là những địa bàn trọng điểm, các các cơ quan, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đồng tình với việc đưa thêm những vụ án tham nhũng lớn ra xét xử trong thời gian tới đây; đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường cơ chế phối hợp; nhấn mạnh khâu thi hành pháp luật, đã có luật rồi thì phải thực hiện nghiêm.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền luật pháp, chính sách; thông tin kịp thời những kết quả đạt được và cả những điểm còn yếu trong hoạt động phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành, các địa phương./.

Vũ Duy/VOV
 

Chia sẻ bài viết