Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Vận dụng nhiều phương pháp giảng dạy
Là cô giáo vùng biên, cô Trần Thị Thu Trang - GV Trường Tiểu học Mỹ Quý Tây (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ), lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với HS cũng như điều kiện thực tế. Với đặc thù dạy HS tiểu học, điều đầu tiên cô Trang chú trọng là ân cần quan tâm từng HS, nhất là HS chưa nắm chắc bài. Đồng thời, cô xây dựng đôi bạn học tập ngồi cùng bàn để các em hỗ trợ, giúp đỡ nhau.
Cô Trang cho biết: “Đôi bạn học tập có 1 HS học tốt, có trách nhiệm hướng dẫn, dò bài cho HS học chưa tốt. Trong quá trình học, các em thảo luận, chia sẻ kiến thức để cùng tiến bộ. Ngoài ra, tôi dành thời gian giờ ra chơi để kèm thêm cho những HS chưa nắm chắc bài, nhất là các em đọc chậm, viết sai chính tả, tính toán còn sai sót,...”. Nhờ sự tận tâm, kiên trì, HS lớp cô Trang ngày càng tiến bộ. Đó cũng là niềm vui lớn nhất của cô trong sự nghiệp “trồng người”.
Với thầy Nguyễn Thanh Tuấn - GV môn Tiếng Anh, Trường THCS Thị Trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng), thay đổi phương pháp giảng dạy là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong quá trình giảng dạy, thầy áp dụng công nghệ thông tin nhiều hơn; nghiên cứu thêm các bài giảng bằng giáo án tương tác, các tiết dạy E-learning, phần mềm, ứng dụng học và kiểm tra trực tuyến như Kahoot, Quizizz,... Nhờ vậy, tiết học Tiếng Anh trở nên sinh động, nhiều HS hứng thú học tập.
Thầy Tuấn chia sẻ: “Tôi đặc biệt quan tâm việc truyền cảm hứng và khơi dậy niềm đam mê học tiếng Anh của HS. Tôi chia sẻ đến các em về vai trò của tiếng Anh trong cuộc sống, nhất là trong nghề nghiệp tương lai. Tìm được động lực học tập, các em sẽ học hiệu quả hơn. Bằng chứng là nhiều HS của tôi tham gia thi HS giỏi và đoạt giải cấp tỉnh môn Tiếng Anh” .
Học sinh phát huy năng lực
Giáo viên cho học sinh thảo luận nhóm trong các tiết học
GV nỗ lực trong giảng dạy, HS hứng thú học tập, từ đó phát huy tính tích cực, chủ động và năng lực. Bước vào lớp 12, Nguyễn Thị Cẩm Giang - HS Trường THPT Tân An (TP.Tân An), đặt nhiều kỳ vọng, quyết tâm. Đó là có được những “điểm số đẹp” và đậu vào ngành học mơ ước sau tốt nghiệp THPT. Để đạt mục tiêu đó, Giang nỗ lực rất nhiều trong học tập.
Giang tâm sự: “Thầy, cô truyền cảm hứng cho em rất nhiều trong việc học. Thay cho những bài giảng khô khan, một chiều là những bài giảng sinh động, trực quan, nhất là em được xem hình ảnh, clip về nội dung bài học qua tivi thông minh tại lớp. Thầy, cô còn khơi dậy tính tò mò, chủ động khám phá tri thức thông qua hoạt động thảo luận nhóm,...”.
Bên cạnh nỗ lực trong các tiết học, Giang còn tự học, tự nghiên cứu. Với những môn học, phần nội dung yêu thích, em thường tìm hiểu sâu hơn để nâng cao kiến thức, đặc biệt là môn Ngữ văn và các môn tự nhiên.
“Theo em, để học giỏi, GV quyết định 40%, còn lại do bản thân tự cố gắng. Vì vậy, dựa trên kiến thức nền mà thầy, cô cung cấp, em mở rộng phạm vi tìm hiểu thông qua các bài giảng trên Internet, sách nâng cao,... Từ đó, em nắm kiến thức chắc hơn và vận dụng giải bài tập tốt hơn” - Giang nói.
Còn theo Phạm Bạch Tuyên - HS lớp 12A2, Trường THPT Tân An, GV dạy lôi cuốn, hấp dẫn sẽ truyền cảm hứng học tập cho HS. Tuyên yêu thích môn Lịch sử và được thử sức ở các cuộc thi HS giỏi, sắp tới là cuộc thi HS giỏi cấp quốc gia ở môn học này.
Tuyên thổ lộ: “Em yêu thích sử từ những câu chuyện kể của ông nội khi còn chưa cắp sách đến trường. Và thầy, cô tiếp tục vun đắp tình yêu sử trong em qua những bài giảng lôi cuốn, hấp dẫn, nhất là ở cấp học THPT. Đặc biệt, được ôn luyện để tham gia thi HS giỏi, em khắc sâu và mở rộng nhiều kiến thức hơn”.
GV nỗ lực hết mình trong giảng dạy, nhất là thay đổi phương pháp, HS hứng thú học tập, phát huy tính tự học, từ đó chủ động khám phá kiến thức mới, nâng cao./.
An Nhiên