Tiếng Việt | English

22/11/2016 - 10:25

Phát triển 4 kỹ năng cho học sinh ở môn Tiếng Anh

Ngày nay, tiếng Anh là công cụ quan trọng để khai thác tri thức của nhân loại, phục vụ sự phát triển. Do đó, chú trọng dạy tiếng Anh cho học sinh (HS) ngay từ cấp phổ thông được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh rất quan tâm. Tuy nhiên, ở các trường học, việc dạy và học tiếng Anh còn nhiều khó khăn. Hiện, ngành GD&ĐT đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông.

Học sinh đối thoại đóng vai trong tiết thực hành kỹ năng nói

Môi trường tiếng Anh hạn chế

Nhận thức vai trò quan trọng của tiếng Anh trong xã hội hiện nay, các trường học tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, trong đó, chú trọng phát triển đầy đủ 4 kỹ năng cho HS. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, đa số địa phương còn hạn chế về môi trường tiếng Anh cho HS thực hành, đặc biệt các địa phương thuộc xã biên giới và vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Hầu hết HS ở các cấp học chỉ được tiếp cận tiếng Anh trong 3-4 tiết/tuần. Do đó, các em khó phát huy được năng lực tiếng Anh, đặc biệt 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.

Trường THCS&THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) là một trong những trường thuộc xã biên giới của tỉnh, điều kiện kinh tế nơi đây còn nhiều khó khăn, dẫn đến HS cũng chịu nhiều thiệt thòi trong học tiếng Anh so với HS thuộc vùng kinh tế phát triển khác. Ở môn Tiếng Anh, các em chỉ được học 3 tiết/tuần với cấp THCS và 4 tiết/tuần với cấp THPT. Theo yêu cầu mới hiện nay, trong các đợt kiểm tra, đánh giá, HS phải kiểm tra đầy đủ 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, điều kiện tiếp xúc với Internet, các kênh truyền hình quốc tế cũng hạn chế, do đó, HS khó thực hành các kỹ năng tại nhà. Muốn trau dồi thêm tiếng Anh, HS chỉ có thể tự học ở thư viện nhà trường hay thông qua những bài tập giáo viên giao.

Học sinh học nhóm trong tiết học Tiếng Anh

Em Phan Thị Kim Ngân - HS lớp 12A1, Trường THCS&THPT Mỹ Bình bộc bạch: “Em rất yêu thích môn Tiếng Anh và muốn giỏi cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, đa số các bạn đều không thích học tiếng Anh nên em không có nhiều bạn để cùng học và thực hành 2 kỹ năng nghe, nói. Địa phương em cũng chưa có trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng nghe và nói tiếng Anh chủ yếu được tiếp cận trong tiết học ở trường và tự học nên em chưa tự tin ở 2 kỹ năng này”.

Ngoài ra, ở các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, phụ huynh HS chưa quan tâm đến việc phát triển tiếng Anh hay các gia đình có sự quan tâm nhưng không đủ điều kiện để đầu tư cho con em mình học tiếng Anh.

Đa dạng hóa phương pháp dạy và học tiếng Anh

Để tạo sự hứng thú cho HS trong học môn Tiếng Anh, giáo viên thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với từng nội dung, đối tượng HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Cô Nguyễn Thị Bảo Trân - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Ngay từ buổi đầu tiếp xúc với lớp, tôi có cuộc nói chuyện nhỏ với HS nhằm gợi mở niềm đam mê học tiếng Anh của các em. Trong tiết học, tôi hoàn toàn sử dụng tiếng Anh để giảng dạy, giúp các em làm quen dần với môi trường tiếng Anh và dạn dĩ trong việc thực hành kỹ năng nghe, nói. Đối với HS bị mất căn bản hoặc chưa hiểu bài thì tôi kiên nhẫn giảng chi tiết lại cho các em hiểu và nắm bài. Mặc dù tiết dạy Tiếng Anh của tôi đòi hỏi các em phải tập trung để nắm chắc bài nhưng tôi không tạo áp lực mà thường xuyên động viên, giúp các em yêu thích môn học này hơn. HS yếu kỹ năng nào, tôi thường xuyên cho các em thực hành kỹ năng đó để phát triển toàn diện hơn cả 4 kỹ năng. Ngoài ra, tôi còn sử dụng hết các tính năng của thiết bị dạy học tiếng Anh như bảng tương tác, loa, máy nghe,... nhằm thay đổi môi trường học và tạo điều kiện thuận lợi cho HS tiếp thu kiến thức mới”.

Chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh luôn được cải thiện

“Đa dạng hóa phương pháp dạy học là điều kiện rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Trong các tiết học, tôi thường cho HS học theo nhóm hay tổ chức đối thoại đóng vai, thuyết trình,... Nhờ vậy, kích thích được niềm đam mê tiếng Anh của HS qua việc giúp các em thể hiện bản thân trước lớp.

Ngoài ra, tiết học Tiếng Anh của tôi không chỉ bó buộc ở phòng học hay phòng ngoại ngữ mà HS còn được học ở các không gian mở khác. Trong các tiết thực hành, HS có thể học tại sảnh lớp, thư viện hoặc tại một điểm tham quan nào đó. Sau đó, các em sẽ làm bài thu hoạch và báo cáo về những gì mình học được. Nhờ đa dạng hóa phương pháp dạy học, HS có cái nhìn tích cực và yêu thích môn Tiếng Anh hơn” - cô Lê Thị Bích Thùy - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Long An cho biết.

Bên cạnh đổi mới nhiều phương pháp dạy học phù hợp, các trường còn tạo điều kiện phát triển môi trường tiếng Anh cho HS thông qua các câu lạc bộ tiếng Anh, khuyến khích HS tham gia các cuộc thi về tiếng Anh trên Internet. Một số trường còn thực hiện mở lớp tiếng Anh do người bản ngữ dạy. Từ đó, HS có thêm điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh, khám phá được năng lực bản thân ở môn Tiếng Anh, phát triển 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của mình.

Cùng với những nỗ lực của các trường, ngành GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, cải thiện chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường công lập trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013-2020, ngành tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy tiếng Anh cho các trường học. Giáo viên cũng thường xuyên được tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Hiện, toàn tỉnh có 127 trường tiểu học, 61 trường THCS và 3 trường THPT dạy tiếng Anh thí điểm theo chương trình mới. Để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, ngành GD&ĐT lập Đề án Đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong các trường công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, đang trình UBND tỉnh phê duyệt./.

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


Trung tâm Tiếng Anh Yola dành cho học sinh TP.HCM phần mềm quản lý trung tâm ngoại ngữ học ielts từ 0 lên 6.0 mất bao lâu Trạng từ lộ trình học ielts 5.0