Tiếng Việt | English

13/01/2016 - 09:13

Bến Lức - Long An

Phát triển cây chanh theo hướng bền vững

Ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An chanh hiện được coi là cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong sản xuất chanh, nông dân trong huyện áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP và hướng đến hợp đồng bao tiêu sản phẩm.


Chanh trên địa bàn huyện Bến Lức sẽ phát triển theo hướng hàng hóa, có bao tiêu sản phẩm

Ông Vũ Ngọc Báo, đại diện hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Thạnh Hòa cho biết, ông bén duyên với cây chanh, nhất là chanh không hạt hơn 10 năm nay bởi loại chanh này có nhiều ưu điểm như trái to, vỏ mỏng, vị chua có mùi thơm, nước nhiều,… Để chanh có đầu ra ổn định, ông Báo học hỏi cách trồng chanh theo phương pháp VietGAP. Đến nay, HTX DVNN Thạnh Hòa có hơn 20 thành viên chuyên trồng chanh với diện tích trên 80ha.

Ông Báo cho rằng, thuận lợi lớn của các thành viên trong HTX là toàn bộ diện tích tập trung trong đê bao khép kín và nằm trong khu vực quy hoạch trồng cây lâu năm của huyện Bến Lức. HTX có giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm chanh và được Cty TFR Hà Lan tại Cần Thơ ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Trong năm 2015, tổng sản lượng chanh mà HTX làm ra khoảng 1.500 tấn, với giá bình quân 14.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người trồng chanh có lãi từ 160 triệu đồng đến 180 triệu đồng/ha.

Cây chanh có mặt ở xã Thạnh Lợi tuy có phần chậm hơn Thạnh Hòa nhưng đến nay, diện tích chanh ở xã này chiếm phần lớn trong diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã. Và Thạnh Lợi cũng được xem là địa bàn có phong trào chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả trong huyện Bến Lức.

Ông Lê Thanh Lưu, ngụ ấp 5, xã Thạnh Lợi cho biết, ông chuyển 1ha trồng mía sang trồng chanh hơn 5 năm nay. Để nông dân chuyển đổi sang trồng chanh hiệu quả, các ngành chức năng ở địa phương mở nhiều lớp tập huấn trồng chanh, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Hiện nay, ông Lê Thanh Lưu đang áp dụng kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP và để giảm công lao động, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, ông cũng đầu tư hệ thống phun tưới tự động cho vườn chanh.

Ông so sánh, trước kia, mỗi lần tưới chanh trên diện tích 5 công đất, ông phải mất hơn nửa ngày với 2 công lao động và 5 lít dầu. Nay, chỉ cần bật cầu dao điện với thời gian hơn 1 giờ là tưới xong diện tích trên. Ngoài ra, hệ thống phun tưới tự động này cũng giúp nông dân chủ động trong sản xuất, nhất là dễ xử lý, tưới rửa cây trong những ngày có sương muối.

Vào đầu tháng 11-2015, HTX DVNN Bến Lức có trụ sở làm việc tại ấp 7, xã Lương Hòa cũng được thành lập với 7 thành viên. Ông Trần Duy Thuận - Giám đốc HTX cho biết, 7 thành viên của HTX đang sản xuất chanh không hạt trên diện tích hơn 20ha theo hướng VietGAP. Mong muốn của HTX là tập hợp nông dân lại, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và cùng nhau sản xuất chanh theo hướng hàng hóa với đầy đủ các tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng cũng như sản lượng. Hiện tại, HTX đang nỗ lực tìm đầu ra cho chanh với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng chanh cho thị trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho biết, diện tích trồng chanh trong huyện vượt hơn 3.000ha, chủ yếu tập trung ở các xã ven theo sông Vàm Cỏ Đông như Lương Hòa, Lương Bình, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi,… Ban đầu, cây chanh được trồng theo hướng tự phát, mấy năm nay, cây chanh trở thành cây mũi nhọn kinh tế của huyện cũng như của tỉnh. Hiện nay, sản phẩm chanh ngoài tiêu thụ nội địa còn phục vụ cho xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất, nông dân áp dụng kỹ thuật thâm canh, dùng kỹ thuật cắt cành, khống chế bông cho ra trái nghịch mùa để rải vụ tránh tình trạng thu hoạch rộ dẫn đến rớt giá. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đi vào hoạt động trên lĩnh vực thu mua và chế biến chanh phục vụ xuất khẩu. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục là cầu nối để nông dân và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và đi đến xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua theo hướng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết