Tiếng Việt | English

25/05/2016 - 14:35

Phát triển cây thanh long vẫn là hướng đi đúng

Hiện nay, cây thanh long chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tổng diện tích thanh long toàn huyện đến thời điểm này đạt 6.661ha, chiếm hơn 60% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Theo quy hoạch đến năm 2020, toàn huyện Châu Thành sẽ có 8.000ha thanh long.


Nông dân thu hoạch thanh long. Ảnh: Lê Đức

Thanh long giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM)

Theo báo cáo của UBND thị trấn Tầm Vu, việc trồng, mua, bán, xuất khẩu thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết được bài toán việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Trên địa bàn thị trấn hiện có 2 hợp tác xã (HTX) thanh long lớn nhất huyện: Tầm Vu và Long Hội; ngoài ra, còn có nhiều hộ kinh doanh sản phẩm này. Đến thời điểm này, trên địa bàn thị trấn, nhiều hộ nông dân chuyển từ trồng lúa sang thanh long, việc chuyển giao khoa học-kỹ thuật xông đèn cho thanh long ra trái trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trồng lúa. Đến đầu năm 2016, số hộ trung bình, khá và giàu trên địa bàn thị trấn đạt tỷ lệ 95%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, gần 100% hộ dân có nhà kiên cố, bán kiên cố.

Xã Phú Ngãi Trị có diện tích đất sản xuất khoảng 940ha, trong đó diện tích trồng thanh long khoảng 544ha, năng suất bình quân trước đây đạt 35 tấn ha/năm; nhờ áp dụng mạnh mẽ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, phần lớn diện tích đều cho năng suất cao; mỗi hộ thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt có hộ thu nhập trên 1 tỉ đồng/ha/năm. Đến Phú Ngãi Trị hôm nay, nhiều ngôi nhà biệt thự mọc lên trên cánh đồng thanh long, cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên. Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Minh Trung cho biết: "Cây thanh long làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã, góp phần giúp Phú Ngãi Trị hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM trước thời hạn".

Anh Phan Văn Lý, ngụ ấp Vĩnh Xuân, xã Dương Xuân Hội canh tác 2ha thanh long cho biết: "Tôi có thâm niên trồng cây thanh long trên 20 năm. Trồng thanh long ở nhiều nơi nhưng tôi thấy đất ở huyện Châu Thành phù hợp với cây thanh long vì cho năng suất cao hơn các nơi khác. Hiện nay, ngoài 1ha thanh long ở xã Dương Xuân Hội, tôi còn trồng thêm 1ha thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Bà con trong xã khá lên nhờ cây thanh long, cả ấp không thấy ai nghèo, ai cũng có nhà tường, cuộc sống ổn định".


Vườn thanh long ứng dụng công nghệ cao tại xã Dương Xuân Hội

Xây dựng vùng chuyên canh và tìm đầu ra ổn định cho thanh long

Ông Lê Minh Mẫn - cán bộ Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện cho biết: “Diện tích trồng cây thanh long tăng từng ngày, có khả năng Châu Thành sớm đạt chỉ tiêu 8.000ha thanh long trước năm 2020. Trong khi đó, diện tích trồng thanh long cả nước cũng ngày một tăng, theo thống kê sơ bộ hiện cả nước có hơn 40.000ha. Chính vì vậy, việc xây dựng vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và tìm đầu ra ổn định cho cây thanh long là vấn đề bức thiết hiện nay”.

Việc trồng cây thanh long kéo theo một loạt các dịch vụ đi kèm và tạo việc làm khá ổn định, thu nhập cao cho lao động địa phương. Theo thống kê, toàn huyện có khoảng 13.400 hộ trồng thanh long, việc chăm sóc thanh long đòi hỏi sử dụng nhân công có tay nghề; ngoài ra, còn có các dịch vụ cung cấp hệ thống chiếu sáng để xông đèn trái vụ, dịch vụ vận tải, kho bãi kéo theo hàng ngàn lao động,... Các công nghệ mới cũng được nông dân nhanh chóng áp dụng triệt để như: Tưới tự động, tưới phun, nhỏ giọt để đạt năng suất cao hơn và tiết kiệm chi phí.

Theo Phòng NN-PTNT, hiện toàn huyện có trên 70 cơ sở thu mua trái thanh long phục vụ xuất khẩu, trong đó có 20% là doanh nghiệp, số còn lại là tư nhân tự đầu tư. Hiện chỉ có 1 doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với người trồng thanh long, số còn lại thông qua thương lái. Vì vậy, lợi nhuận của người trồng thanh long cũng giảm bớt một phần.

Chủ tịch UBND huyện - Nguyễn Văn Thình cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi tăng cường chỉ đạo các xã đẩy mạnh liên kết sản xuất, hình thành tổ hợp tác và HTX, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào cây thanh long, nhất là thanh long xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ và châu Âu, nâng cao giá trị trái thanh long Việt Nam. Ngoài ra, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất thanh long, hình thành các cơ sở bảo quản, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thanh long".

Hiện nay, UBND huyện phối hợp Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm tại một số nước. Năm 2016, thực hiện Đề án của tỉnh, huyện tích cực triển khai thực hiện 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, giao cho các xã tìm địa điểm thích hợp để làm thí điểm, sau đó nhân rộng toàn huyện. Đặc biệt, huy động sự liên kết 4 nhà trong sản xuất-tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định và tính bền vững trong sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo mô hình GlobalGAP; hiện thực hiện thành công 3ha tại xã Dương Xuân Hội./.

Lâm Đỗ

Chia sẻ bài viết