Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT-Hồ Văn Dân |
► PV: Xin ông cho biết, công tác tổ chức triển khai, quán triệt NQ36 của Bộ Chính trị?
Ông Hồ Văn Dân: Cuối năm 2014, Sở TT&TT phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 75-KH/TU, ngày 07/11/2014; tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện NQ số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế" trong cả hệ thống chính trị của tỉnh. Nội dung chi tiết thể hiện trong Kế hoạch 75-KH/TU, ngày 07/11/2014.
Ngoài ra, hàng năm, sở xây dựng nội dung tuyên truyền, quán triệt NQ gửi đến các sở, ngành, UBND cấp huyện làm tài liệu tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc; thường xuyên phối hợp Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An,... đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước để tuyên truyền đến nhân dân các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT phục vụ nhu cầu xã hội.
► PV: Ông có thể khái quát về kết quả trong tổ chức thực hiện tại cơ quan hành chính nhà nước (NQ HCNN )?
Ông Hồ Văn Dân: Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các CQHCNN của tỉnh tập trung quán triệt, triển khai ứng dụng CNTT phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội. Theo đó:
Nhiều cơ chế, chính sách, văn bản quy định được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước của tỉnh.
Kết cấu hạ tầng CNTT được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư phục vụ công tác triển khai ứng dụng CNTT. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện có máy tính đạt khoảng 95%; 19/19 sở, ngành, 15/15 UBND cấp huyện có mạng nội bộ kết nối các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh.
Nhiều hệ thống ứng dụng CNTT được đầu tư và phát huy hiệu quả rất tích cực, cụ thể:
100% sở, ngành, UBND cấp huyện có cổng/trang thông tin điện tử kịp thời cung cấp thông tin, tình hình hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng, vận hành chính thức từ ngày 10/02/2017 tại địa chỉ https://dichvucong.longan.gov.vn/ phục vụ việc cung cấp thông tin, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính của toàn tỉnh trên môi trường mạng; 100% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 264 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 15/15 UBND cấp huyện, 192/192 UBND cấp xã, 17/19 sở, ngành triển khai phần mềm một cửa điện tử, kết nối hệ thống một cửa điện tử của tỉnh để luân chuyển, giải quyết và cung cấp thông tin tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng (thông qua: Điện thoại: (0272) 3888888, tin nhắn SMS: TC SoBienNhan gửi (0272) 3618888 và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh).
Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ đến 100% CQHCNN theo hướng kết nối liên thông. Tính đến tháng 10/2017, toàn tỉnh có trên 77% văn bản được phát hành liên thông đến các đơn vị trên môi trường mạng; công tác chỉ đạo, điều hành, phân công thực hiện nhiệm vụ cho cấp dưới trực thuộc thông qua hệ thống này, tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian.
Triển khai sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử đồng bộ trong CQHCNN của tỉnh. Đến tháng 10-2017, tỷ lệ văn bản điện tử ký số phát hành trên môi trường mạng đạt 19% tổng số văn bản phát hành.
Nhiều phầm mềm ứng dụng chuyên ngành được đầu tư, đang phát huy hiệu quả tích cực, cụ thể: Quản lý hộ tịch, tài nguyên - môi trường, giao thông, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nông nghiệp, y tế, giáo dục,...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
► PV: Quá trình thực hiện có gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Ông Hồ Văn Dân: Kết cấu hạ tầng CNTT (đặc biệt là Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh) chưa đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh vì nguồn kinh phí đầu tư cho CNTT còn hạn chế.
Một số hệ thống ứng dụng CNTT được triển khai chưa phát huy tốt hiệu quả do vai trò của người đứng đầu một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, chưa chỉ đạo quyết liệt để thực hiện; một bộ phận cán bộ, công chức ngại thay đổi thói quen làm việc thủ công.
Cơ chế, chính sách chưa bảo đảm đầy đủ để triển khai thực hiện. Đó là quy định về quản lý, lưu trữ điện tử; thuê dịch vụ CNTT; chế độ ưu đãi cho cán bộ, công chức làm công tác CNTT.
► PV: Với vai trò tham mưu, thời gian tới, ông có thể cho biết, ngành có những định hướng gì để triển khai, ứng dụng CNTT tốt hơn?
Ông Hồ Văn Dân: Ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về ứng dụng CNTT; tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch hiện thực hóa kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh, được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phối hợp Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, tăng cường triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và phục vụ nhu cầu xã hội; gắn kết ứng dụng CNTT với cải cách hành chính và công tác thi đua, khen thưởng hàng năm; tăng cường công tác tuyên truyền về ứng dụng CNTT phục vụ cơ quan nhà nước và xã hội.
Hoàn hiện cơ chế, chính sách triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước của tỉnh trên cơ sở quy định của cấp trên.
Phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan thực hiện công tác bảo đảm an toàn thông tin trong triển khai ứng dụng CNTT.
► PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Nga (thực hiện)