Các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã viên (Trong ảnh: Lúa được gieo bằng phương pháp sạ hàng, giảm chi phí, tăng năng suất)
Hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp
Toàn tỉnh hiện có 135 HTX nông nghiệp đang hoạt động. UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 16 HTX điểm, trong đó 13 HTX nằm trong vùng đề án (6 HTX lúa, 4 HTX rau, 1 HTX thanh long và 2 HTX bò thịt) và 3 HTX ngoài vùng Đề án ƯDCNC của tỉnh ở các huyện: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, HTX tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho biết: “Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng, trong đó phải kể đến chế độ ưu đãi về thuế. Nhằm tận dụng tốt nhất những ưu đãi này, các HTX cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý cán bộ, tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. HTX phải có quy mô sản xuất và số lượng thành viên phù hợp; đồng thời, cần lựa chọn mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ƯDCNC. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỉnh thành lập mới thêm 90 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả của tỉnh đạt 187 HTX và có ít nhất 30 HTX nông nghiệp ƯDCNC vào sản xuất”.
Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, có 65 HTX nằm trong vùng của chương trình (33 HTX lúa, 16 HTX rau, 14 HTX thanh long và 2 HTX bò thịt), trong đó có 16 HTX điểm (13 HTX trong vùng đề án và 3 HTX ngoài vùng). Thời gian qua, một số HTX chú trọng nghiên cứu, đầu tư, ƯDCNC, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, các HTX điểm chủ yếu mới thành lập nên phần lớn còn ở giai đoạn củng cố ban quản lý, vận động góp vốn nên chưa hoạt động ổn định.
Việc ƯDCNC vào sản xuất trong các HTX nông nghiệp góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, cũng như rủi ro và sự phụ thuộc vào thời tiết; nhất là bảo đảm truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Còn nhiều trăn trở
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng HTX nông nghiệp ƯDCNC vào sản xuất còn khá ít, chỉ có 11 HTX, chiếm chưa đến 1% tổng số HTX nông nghiệp và hầu hết có quy mô nhỏ. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp 1/5 (ấp 1/5, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng) - Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “HTX có 86 xã viên, sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn trên diện tích 310ha. Thời gian qua, HTX có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Giá lúa trong mô hình cao hơn ngoài mô hình khoảng 800 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn trên 3 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đầu ra của lúa sản xuất công nghệ cao không cao hơn lúa thường (năng suất lúa hữu cơ lại thấp hơn nhiều). Chính vì vậy, để góp phần hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển, Nhà nước cần triển khai sớm các chương trình hỗ trợ nông dân, HTX, vì khi chuẩn bị thu hoạch vụ lúa trước, xã viên đã chuẩn bị sẵn sàng cho sản xuất vụ lúa sau”.
Thu hoạch rau ăn trái tại Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu
Còn Phó Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu (ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) - Đỗ Văn Hửng bộc bạch: “Đầu ra sản phẩm không ổn định luôn là trăn trở lớn nhất của HTX nông nghiệp và xã viên. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và hỗ trợ của Nhà nước đối với các HTX nông nghiệp nói chung và HTX nông nghiệp ƯDCNC nói riêng còn những hạn chế”.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích HTX nông nghiệp ƯDCNC. Ðó là trình độ, năng lực quản lý của hầu hết HTX nông nghiệp còn thấp, lúng túng trong lựa chọn công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất, các địa phương thiếu đội ngũ tư vấn giỏi về công nghệ cao. Trong khi đó, việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao thường cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy, cần có định hướng phát triển, đánh giá và dự báo về thị trường để việc đầu tư hiệu quả.
Sản xuất ƯDCNC có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Những HTX ƯDCNC đều cho năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, giảm chi phí sản xuất, từ đó, giá thành sản phẩm giảm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Để nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi, cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với ƯDCNC, dần thay thế những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, giống vật nuôi mới hiệu quả kinh tế cao hơn, cũng như nâng cao chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... tiến tới xuất khẩu nông sản và xây dựng các HTX nông ƯDCNC là một trong những điều kiện cần thiết./.
Song Hồng