Tiếng Việt | English

03/05/2017 - 20:37

Phát triển kinh tế với nghề thợ nấu

Khi xã hội phát triển, đời sống được nâng cao, các ngành, nghề dịch vụ cũng có cơ hội gia tăng, trong đó có dịch vụ nấu ăn. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các địa phương đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức, thành lập các nhóm nấu ăn, giúp hội viên phát triển kinh tế.


Nghề thợ nấu giúp phụ nữ có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình

Nở rộ dịch vụ nấu ăn

Nếu như trước đây, các gia đình có tiệc tùng, hiếu hỷ thường huy động sự trợ giúp từ hàng xóm thì ngày nay, cuộc sống tất bật, nhất là những khu vực đô thị, các dịch vụ nấu ăn, thậm chí là trọn gói thuê phục vụ, cổng, trại, bàn ghế,... ngày càng được ưa chuộng. Ưu điểm các dịch vụ này là nhanh, gọn, không quá đắt và đỡ mất thời gian dọn dẹp sau khi kết thúc.

Nắm được xu thế ấy, nhiều nhóm nấu ăn tại các địa phương ra đời, mà trong đó, khá nhiều thành viên là hội viên (HV) Hội LHPN. Các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An) là những địa phương nổi trội về loại hình dịch vụ này. Về thị trấn Cần Đước, đặc biệt là khu phố 1B, cứ cách vài chục mét thì lại có một biển hiệu “Dịch vụ nấu ăn”. Người dân ở đây cho biết, khoảng 15 năm trước, cô Võ Thị Anh Ngọc (khu phố 1B, thị trấn Cần Đước) nấu ăn rất ngon nên thường được hàng xóm nhờ nấu khi nhà có tiệc. Sau này, cô nhận thêm người phụ việc rồi truyền nghề, những người này về sau tiếp tục thành lập các nhóm nấu ăn và phát triển đến nay.

Theo Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cần Đước - Cao Thị Kim Nguyệt, các nhóm nấu ăn do HV làm chủ chính thức được thành lập từ năm 2013 với 10 thành viên nòng cốt ban đầu đang là quản lý các nhóm nấu ăn trên địa bàn huyện, từ đó phát triển, nhân rộng đến các HV khác tham gia. Đến nay, toàn thị trấn có khoảng 20 nhóm nấu ăn đám tiệc, tập trung chủ yếu tại khu phố 1B. Các thành viên cũng chủ động trong việc khám sức khỏe, tham gia lớp tập huấn an toàn thực phẩm theo quy định.


Hội Liên hiệp Phụ nữ  các địa phương đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức, thành lập các nhóm nấu ăn, giúp hội viên phát triển kinh tế

Vững tâm phát triển nghề

Thấy được tiềm năng của nghề thợ nấu, nhiều năm qua, Hội LHPN các địa phương luôn chú trọng phát triển, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho HV từ nghề này. Hội LHPN huyện Cần Giuộc hiện có 34 nhóm nấu ăn với trên 200 thành viên. Thời gian qua, hội tích cực phối hợp ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp dạy nghề nấu ăn cho HV. Nhiều chị em phát huy được khả năng của mình, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn giúp đỡ các HV khác có thêm thu nhập.

Chị Phan Thị Thu Sương (ấp Hòa Thuận 2, xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Lúc trước, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu nhờ trồng rau. Năm 2009, sau khi được học nghề nấu ăn, tôi bắt đầu nhận nấu đám tiệc tại địa phương. Tôi luôn tâm niệm, phải cố gắng nấu thật ngon, bảo đảm vệ sinh để tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Càng ngày, nhóm nấu của tôi được giới thiệu nhiều hơn nên không chỉ bản thân tôi mà các chị em trong nhóm có thêm tiền trang trải sinh hoạt phí, nuôi con ăn học”.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Đước - Lại Thị Kim Minh, qua khảo sát nhu cầu, tùy tình hình từng xã mà Hội LHPN tổ chức các lớp dạy nghề với phương châm chị em mong muốn học nghề gì sẽ dạy nghề đó, trong đó, đặc biệt chú trọng nghề nấu ăn. Mỗi lớp tập huấn có từ 30-35 học viên nữ trong độ tuổi lao động. Sau khi hoàn thành lớp học, học viên có thể thực hiện các món tiệc cơ bản rồi dần dần thành lập nhóm nấu ăn, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Một số nhóm của Hội LHPN thị trấn Cần Đước còn đi nấu ở các xã lân cận, thậm chí ở ngoài tỉnh.

Đặc biệt, các HV cũng rất tích cực khi tham gia công tác xã hội, các hội thi nấu ăn tổ chức tại địa phương. Năm 2016, các nhóm nấu ăn hỗ trợ công phục vụ trên 1.800 suất ăn trong chương trình Tiếp sức mùa thi; trên 500 suất ăn trong Ngày hội tòng quân năm 2017.

Hiện tại, toàn huyện Cần Đước có trên 30 nhóm dịch vụ nấu ăn do HV quản lý, với hơn 400 lao động nữ, trong đó, thị trấn Cần Đước chiếm khoảng 20 nhóm với 300 lao động. Vì là ngành dịch vụ nên không chỉ nấu ăn ngon mà cần có sự hòa nhã, nhiệt tình mới “níu chân” khách hàng. Chính vì vậy, giữa sự cạnh tranh từ rất nhiều người cùng lĩnh vực, các nhóm nấu ăn do HV Hội LHPN làm chủ tồn tại, phát triển đến giai đoạn này là cả một quá trình phấn đấu không ngừng. Đáng trân trọng hơn là không chỉ làm giàu cho bản thân mà các HV Hội LHPN còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng vươn lên làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết