Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện ngày càng tăng, theo Quy hoạch điện 7 được lập cho giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung tăng công suất phát điện từ nhiệt điện than, khai thác hết tiềm năng thuỷ điện, và phát triển điện hạt nhân. Trong đó, công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện than được quy hoạch đạt mức 36.000 MW (chiếm 48%) vào năm 2020 và 75.000MW (tương ứng 52%) vào năm 2030.
Ô nhiễm từ than làm tỷ lệ tử vong tăng cao
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), việc sử dụng nhiều nhiệt điện đốt than khiến cho Việt Nam đối mặt với những thách thức lớn về môi trường - xã hội như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và gia tăng tỉ lệ thất nghiệp và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân xung quanh khu vực xây dựng nhà máy. Khí thải của các nhà máy nhiệt điện than là nguồn gây hại lớn góp phần làm gia tăng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho biết, hiện nay ở nước ta có khoảng 15.000 MW điện than đang vận hành thải ra một lượng chất thải rắn lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm. Theo khảo sát của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), chỉ tính riêng các nhà máy nhiệt điện phía Bắc thuộc EVN thì lượng tro thải ra hàng năm lên đến 673.600 tấn.
Nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường và đời sống cần được áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý kịp thời.
Cũng theo ông Lauri Myllyvirta, - Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ), ô nhiễm từ các nhà máy than tác động rất lớn đến không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người tại Việt Nam. Nguồn ô nhiễm từ nhiệt điện than gây ra bởi các hạt vật chất ô nhiễm rất độc như chì, niken… là những hạt vật chất siêu nhỏ không dễ phát hiện.
“Ngay tại Hà Nội, nồng độ MM2 tăng cao đã khiến người Hà Nội phải đeo khẩu trang nhiều nhưng không phải khẩu trang nào cũng đạt chuẩn để ngăn được ô nhiễm. Người Hà Nội sắp giống như các thợ khai thác than hầm lò. Đặc biệt, khu vực vùng Đông Bắc và tỉnh Quảng Ninh có chất lượng không khí đáng báo động. Thời gian qua, Việt Nam đã có 32.000 người tử vong vì ô nhiễm không khí…chủ yếu cho các bệnh về tim mạch, bệnh phổi. Dự báo đến năm 2030 sẽ có khảng 24.000 cái chết do PM2 và hơn 1.400 người tử vong do ô nhiễm tầng ozone đến từ khí thải than tại Việt Nam”, ông Lauri Myllyvirta cảnh báo.
Trong khi đó, ông Arif Fiyanto - Trrưởng nhóm nghiên cứu về môi trường đến từ Indonesia cho biết, khai thác than tại mỏ than Kalimantan của Indonesia thời gian qua đã khiến 13 trường hợp trẻ em tử vong, 15% sông hồ bị ô nhiễm từ công nghiệp khai thác than. “Vàng đen đã không còn thực sự là vàng khi chứa đựng nhiều nguy hại hơn cả sự lấp lánh”, ông Arif Fiyanto chỉ rõ.
Ngoài tác động đến chất lượng không khí, khai thác và vận hành nhiệt điện than cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước, gây ô nhiễm và làm khó khăn cho đời sống người dân nhiều khu vực. Đối với các nhà máy nhiệt điện than đã có một thời gian vận hành như Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, hay Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Vĩnh Tân… những tác động tới môi trường xã hội và sức khỏe của người dân rõ rệt và đáng kể.
Kết quả đánh giá của ông Đặng Ngọc Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) cho thấy, 75% người dân tại khu vực Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh khi được hỏi đã cho rằng, nguồn nước trong khu vực đã bị ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm là do nhà máy nhiệt điện than và quá trình khai thác than. Người dân tại đây chỉ sử dụng nước mưa, nước giếng cho tắm giặt hoặc phun ẩm đường để dập bụi trước nhà.
Đáng chú ý là tại các dòng suối, kênh, mương gần với các khu vực khai thác và chế biến than nước chuyển đã màu đen, sánh, mùi hôi thối và có váng. Các hộ gia đình nơi đây phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để thích nghi với thay đổi của môi trường. Nguồn nước tại khu vực này có hàm lượng chất lơ lửng cao, oxy hòa tan trong nước lớn làm khó tiêu hủy các chất vô cơ, hữu cơ dẫn đến nguồn nước ô nhiễm. Trong nước có nhiều kim loại nặng khiến thủy sinh vật bị biến đổi và bị hủy diệt, đặc biệt là vào mùa mưa.
“Sau sự cố do mưa lũ lớn tại Quảng Ninh vừa qua, do các mỏ khai thác than ở rất sâu nên lượng lớn bùn đất đá đã lấp nhà ở của các hộ dân. Vỡ đê bao đã khiến xỉ than trôi xuống sông Diễn Vọng, kéo theo nhiều kim loại nặng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, các mỏ than có lượng đất đá bóc ra được đổ lên cao như núi nhưng không được đầm nén là nguyên nhân dẫn đến việc bồi lấp 94 hộ dân”, ông Vinh cho biết.
Hướng tới công nghệ sạnh và bền vững
Người dân sinh sống tại các khu vực ô nhiễm có rủi ro tử vong gấp 50 lần so với các khu vực khác. Tại nhiều nơi khai thác than trên thế giới hiện nay đã không còn sự sống do bị ô nhiễm, từ đó cho thấy việc khai thác và đốt than đã, đang và sẽ gây ra nguy hại cho cuộc sống hàng ngày.
Ô Đặng Ngọc Vinh cho rằng, cần nâng cao việc kiểm soát nguồn ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện than, hiện nay công tác này đang được thực hiện quá sơ sài. Chi phí cho điện than hiện nay là chưa được tìm hiểu hết với những tác động lớn về môi trường. Về lâu dài cần tiến hành di dời hoặc quy hoạch hợp lý hơn các nhà máy nhiệt điện than. Quan trọng hơn nữa vẫn là nghiên cứu phát triển các loại năng lượng tái tạo, bởi công nghệ khác đã rẻ hơn và hiệu quả hơn rất nhiều là điều kiện để nước ta có những lựa chọn thông minh hơn trong lựa chọn nguồn năng lượng.
Ông Lauri Myllyvirta cũng cho rằng, nhu cầu nước phục vụ các ngành công nghiệp đã vượt quá khả năng cung cấp, trong khi nước là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người thì than đang là “quái vật há miệng uống hết nước của nhân loại”. Do đó, mỗi quốc giá cần có đánh giá chuẩn mực từ việc khai thác than và nhiều nước đang quay lưng với các dự án điện than mới để phát triển các nguồn năng lượng khác.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang giảm đáng kể nhiệt điện than vào sơ đồ cấp điện thì Việt Nam lại đang đi ngược lại với xu hướng này. Chính vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu lại quy hoạch phát triển nhiệt điện than. Trước mắt cần xem lại chất lượng không khí tại các nhà máy điện, công khai mức phát thải của nhà máy hàng năm.
Đồng thời, do nhiệt điện than đang đóng góp sản lượng điện lớn cho quốc gia nên chính phủ cần can thiệp có những giải pháp phòng ngừa, sử dụng than và nhiệt điện than nhưng phải chọn được công nghệ ít ô nhiễm nhất nhằm giảm thiểu nguồn ô nhiễm cho môi trường./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN