Tiếng Việt | English

01/09/2018 - 13:11

Phát triển nông nghiệp đô thị với mô hình trồng rau sạch trong nhà màng

Tăng sản lượng, chất lượng, giảm lao động, bảo đảm nhu cầu rau sạch cung cấp cho thị trường đó là hiệu quả mà ông Lê Thái Bình cho biết sau 2 năm ông đầu tư làm nhà màng, hệ thống tưới nước, trồng thủy canh rau tại khu phố Bình An 2, phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An.

Trồng rau trong nhà màng có sản lượng cao hơn 10% so với rau trồng bên ngoài

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng được ông triển khai trên diện tích 2.000m2 từ năm 2016 đến nay, chi phí đầu tư ban đầu gần 2 tỉ đồng. Ông đã thu hoạch được nhiều lần gồm các loại rau ăn quả và ăn lá với sản lượng cao hơn 10% so với rau trồng ngoài nhà màng.

Anh Phan Văn Hiếu – kỹ sư nông nghiệp chăm sóc vườn rau của ông Bình cho biết: “Các loại rau ở đây từ khi gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát tự động và khép kín nhằm bảo đảm giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh đó, việc sử dụng hệ thống lưới, màng ngăn mưa và môi trường nhà kính sẽ giúp chặn côn trùng, bảo đảm hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật mang đến sự an toàn cho người tiêu dùng.”

 Trồng rau bằng phương pháp thủy canh trong nhà màng bảo đảm quy trình sạch

Mỗi ngày, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 100kg rau sạch các loại. Với giá bán gần 50.000đ/kg rau tùy loại, mỗi tháng doanh thu của cơ sở trên 130 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên, nhân viên quản lý tại cơ sở sản xuất rau cho biết: “Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm rau an toàn rất cao. Các sản phẩm của cơ sở không chỉ cung cấp trên địa bàn TP.Tân An mà còn cung cấp cho một số điểm bán rau an toàn tại TP.HCM và Tiền Giang.”

Các loại rau ở đây từ khi gieo hạt đến thu hoạch đều được kiểm soát tự động và khép kín nhằm bảo đảm giá trị dinh dưỡng cao

Chủ tịch Hội Nông dân phường 7 - Nguyễn Phi Hùng cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp đô thị là rất cần thiết trong điều kiện đất nông nghiệp của thành phố ngày càng thu hẹp. Và mô hình trồng rau trong nhà màng là mô hình đang được nhiều địa phương ứng dụng. Tại phường 7, TP.Tân An việc áp dụng mô hình này vào sản xuất bước đầu đã phát huy hiệu quả cao, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm.”

“Trong thời gian tới, Hội Nông dân phường 7 tiếp tục phối hợp các ngành chức năng tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân gắn với việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp phù hợp nhu cầu thị trường. Đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành để liên kết quảng bá, tiêu thụ nông sản bảo đảm đầu ra cho người sản xuất.” - ông Nguyễn Phi Hùng cho biết thêm./.

Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết