05/08/2017 - 21:51

Phía sau những gia đình tan vỡ

Từ năm 2015 đến nay, số cặp vợ chồng ly hôn mỗi năm đều tăng, nguyên nhân chính vẫn là do mâu thuẫn gia đình không thể dung hòa. Đằng sau những gia đình tan vỡ là những nỗi đau và bao hệ lụy.

Những đứa trẻ “bơ vơ”

Đây không phải là lần đầu ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An phải “ở ngoài sân”. Cậu con trai mà 15 năm qua một tay ông chăm sóc, thỉnh thoảng lại “giải tỏa” cơn giận cha bằng cách... đóng cửa không cho ông vào nhà. Sau cuộc hôn nhân tan vỡ, người đàn ông chưa tới 30 tuổi, một tay nuôi 2 con nhỏ và tuyệt đối không cho chúng tiếp xúc với mẹ mình.

Ảnh minh họa

Cuộc sống gia đình khó khăn, ông vừa chăm sóc con vừa bươn chải lo kinh tế. Nhưng dù cố gắng thế nào, ông cũng không làm sao bù đắp được khoảng trống tình cảm khi các con thiếu sự chăm sóc của người mẹ. Sự nghiêm khắc có lúc tàn nhẫn của người cha trong cảnh “gà trống nuôi con” đã đẩy cậu con trai lớn rời khỏi gia đình sau một trận đòn “thừa sống thiếu chết” vì “cả gan” đi gặp mẹ mình! Sau đó, có lẽ phần vì ân hận, phần vì muốn sửa chữa lỗi lầm, ông dồn hết sự cưng chiều cho người con thứ 2. Mặc dù là học sinh ngoan, học lực khá, được bạn bè và hàng xóm quý mến, nhưng với riêng ông, cậu lại là một đứa con “bất trị”. Thỉnh thoảng, ông Bé lại lầm lũi sang nhà hàng xóm ngồi “tránh nạn”. Phải chăng một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc ly hôn của vợ chồng ông Bé từ nhiều năm trước?

Tan vỡ gia đình phần lỗi thuộc về người lớn. Nhưng con trẻ mới là người nhận hậu quả nặng nề nhất. Năm 2015, chúng tôi gặp Nguyễn Thị Kim Hồng trong một lớp học tình thương ở TP.Tân An. Cha mẹ ly hôn, mỗi người đi tìm một chân trời riêng, Hồng sống cùng bà nội ở phường Tân Khánh. Mỗi tối, khi bà nội đi bán nước dạo trong công viên thì Hồng đến lớp học tình thương. Mặc dù chăm chỉ, ham học nhưng Hồng cũng chỉ có thể là một học sinh giỏi của lớp học tình thương và dừng lại ở lớp 5 (vì lớp tình thương không có lớp cao hơn). Giờ đây, có lẽ cô bé ấy đã rời sách vở để lao vào cuộc mưu sinh vì bà nội cũng không còn đủ sức khỏe để có thể lo mãi cho em được.

Ở xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, bé Bin cũng đang sống cùng ông bà nội khi cha mẹ em đều đi tìm cuộc sống mới. Bin là kết quả mối tình trẻ của cha mẹ mình. Sau những ngày tháng ngọt ngào, cha mẹ Bin không thể chịu nổi những va vấp của thực tế cuộc sống vợ chồng. Bin bị bỏ lại cho ông bà nội ngay sau ngày đơn ly hôn được ký. Lúc đó, em vẫn còn chưa biết gì. Cũng đã 4 năm sống thiếu tình thương cha mẹ, Bin tỏ ra ít nói và hay gọi cô ruột mình là mẹ!

Câu chuyện về sự tan vỡ

Chị Nguyễn Ngọc Nga ở phường Tân Khánh, TP.Tân An kể, mình làm mẹ đơn thân đã nhiều năm và sau cuộc hôn nhân tan vỡ chị không có ý định sẽ đi thêm bước nữa mặc dù còn trẻ. Khi nhắc về chồng cũ và cuộc hôn nhân của mình, chị vẫn dùng những lời lẽ rất dịu dàng. Chị nói: “Chồng chị trước đây là một người đàn ông tốt. Sau ly hôn, chị phải mất 5 năm mới có thể dứt hẳn mọi chuyện. Chỉ vì chị không thể hòa hợp với mẹ chồng của mình mà dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình”. Vì sự không thể hòa hợp giữa 2 người phụ nữ mà một tổ ấm tan vỡ, mặc dù người trong cuộc không hề muốn chuyện ấy xảy ra.

Cũng có nhiều khi, sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, người trong cuộc vẫn chưa hiểu tại sao lại xảy ra như vậy, mặc dù cả 2 rất yêu nhau trong suốt một thời gian tưởng chừng như không gì thay đổi được. Như trường hợp chị Lê Thị Xoàn (SN 1996) ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Sau khoảng thời gian tìm hiểu, chị và anh Trần Vũ Trường (SN 1990) tiến đến hôn nhân. Cứ tưởng hạnh phúc dài lâu, nhưng chỉ 2 năm sau, anh chị nảy sinh mâu thuẫn vì không hợp nhau. Thường xuyên cãi vả rồi ly thân, cuối cùng, cuộc hôn nhân đó không thể nào cứu vãn. Chị Xoàn nộp đơn yêu cầu ly hôn và yêu cầu được nuôi con. Tòa án chấp thuận, năm 2017, họ ly hôn, cháu Ân (con anh chị) về sống với mẹ.

Theo Chuyên viên tư vấn pháp lý Công ty Luật Song Song - Lê Ngọc Thiện, những năm gần đây, tình trạng ly hôn ngày càng nhiều và tỷ lệ ly hôn của các gia đình trẻ cũng tăng dần. Đặc biệt, tình trạng ly hôn mà phụ nữ là nguyên đơn chiếm hơn 80%. Ông nói: “Trong suốt quá trình làm việc của mình, tôi gặp rất nhiều trường hợp phụ nữ đến tư vấn ly hôn. Mà nguyên nhân chính, theo tôi, chính là sự thụ động của nam giới trong việc thể hiện vai trò làm chồng, làm cha, trong khi người phụ nữ ngày càng năng động hơn”. Theo số liệu thống kê của tòa án, gần 80% các vụ ly hôn có nguyên nhân là “mâu thuẫn gia đình”. Có những trường hợp vợ chồng cưới nhau chưa tròn năm thì... ly hôn. “Không hợp nhau” là câu nói nhẹ nhàng, đơn giản nhất có thể nói ra, nhưng đằng sau nó là cả một vấn đề xã hội cần được lưu tâm. Và kết quả của hôn nhân tan vỡ là những đứa trẻ rơi vào cảnh thiếu vắng tình thương.

- 6 tháng đầu năm 2015, tòa giải quyết trên 2.000 vụ việc, xử cho ly hôn trên 1.500 vụ. 
- 6 tháng đầu năm 2016, tòa giải quyết trên 2.500 vụ việc, xử cho ly hôn gần 2.000 vụ.
- 6 tháng đầu năm 2017, tòa giải quyết trên 2.600 vụ việc, xử cho ly hôn trên 2.000 vụ.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh – Đỗ Thị Kim Thắm cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ ly hôn của các gia đình trẻ ngày càng phổ biến là do quan niệm về tình yêu và hôn nhân của thế hệ trẻ chưa chín chắn, vội vàng và vì họ thiếu kiến thức về hôn nhân. Chị Thắm nói: “Các bạn trẻ dường như còn thiếu kỹ năng xây dựng tổ ấm, dành ít thời gian cho nhau, thiếu sự cảm thông và chưa dẹp bỏ được cái tôi để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Trong cuộc sống ngày nay, thế giới ảo một phần chi phối giới trẻ và cũng góp phần khiến các bạn bớt quan tâm và lắng nghe nhau. Những vướng mắc, bất hòa thường không được chia sẻ, lắng nghe, cảm thông và cùng nhau giải quyết. Câu chuyện kết hôn và ly hôn trở nên dễ dàng hơn và tất nhiên để lại nhiều hệ lụy”.

Theo thống kê từ Tòa án Nhân dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tòa án cấp huyện trên toàn tỉnh giải quyết trên 2.600 vụ việc hôn nhân và gia đình, trong đó, trên 2.000 vụ xử cho ly hôn. So với cùng kỳ năm 2015 và 2016 thì cả 2 con số trên đều tăng. Trong số đó, số vụ có vợ chồng từ 18 - 30 tuổi là khoảng 400 vụ và trên 400 vụ có con chưa thành niên.

Chúng tôi xin kết lại bài viết bằng nhận định của Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm: “Đằng sau một gia đình ly hôn là nhiều nỗi đau. Và phụ nữ, trẻ em thường là người phải gánh chịu nhiều nhất những tổn thất và hệ lụy sau ly hôn”./.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm:

“Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên cần có sự thông cảm, sẻ chia và tôn trọng nhau. Chỉ có sự thẳng thắn trao đổi, góp ý để xây dựng nhau cùng tiến bộ thì mới có thể duy trì được sự hòa thuận, êm ấm trong gia đình. Và dường như trong xu thế hiện nay, có một “lực cản” vô hình cho sự dung hòa, góp phần dẫn tới các vụ ly hôn, nhất là đối với các gia đình trẻ. Tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ cũng cần được giáo dục, cung cấp kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình. Một môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh cũng là tác nhân giúp hạnh phúc gia đình được bền vững”.

Thầy Trần Văn Chuyền - giảng viên bộ môn tâm lý giáo dục Trường Cao đẳng Sư phạm Long An:

Ngày nay, giới trẻ ly hôn nhiều là do kỹ năng sống, ứng xử và tổ chức gia đình của các bạn còn hạn chế. Áp lực kinh tế nhiều cũng khiến cho các bạn ít quan tâm đến gia đình. Các bạn kết hôn sớm nên không thấy hết giá trị gia đình, “vì mình” nhiều hơn nên khi có những mâu thuẫn nhỏ cũng có thể nghĩ đến ly hôn. Việc ảnh hưởng lối sống tự do phương Tây, bình đẳng giới được nâng cao nên người phụ nữ chủ động hơn, họ không chấp nhận những điều áp đặt vô lý. Ngoài ra, việc ngoại tình, quan hệ ngoài luồng cũng ít bị lên án hơn ngày trước nên dễ dẫn đến ly hôn. Để gìn giữ hạnh phúc gia đình thì sự nhẫn nhịn là điều quan trọng nhất, đừng để những mâu thuẫn nhỏ trở thành mâu thuẫn lớn, không thể giải quyết được.

Ông Nguyễn Văn Mười - Trưởng ấp Tây Phú, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc:

Là người có “thâm niên” gần 20 năm hòa giải mâu thuẫn các gia đình, tôi cho rằng: “Điều quan trọng nhất là các em, các cháu cần tìm hiểu thật cặn kẽ về nhau trước khi tiến đến hôn nhân để tránh trường hợp thất vọng sau hôn nhân. Kết hôn là việc quan trọng của đời người. Sau ly hôn, ai cũng bị tổn thương nhưng đáng thương nhất vẫn là những đứa trẻ không người chăm lo khi cha mẹ tìm được hạnh phúc mới. Muốn con cái trưởng thành thì cha mẹ phải hạnh phúc với nhau trước đã!”.

Ý kiến một số thư ký tòa án cấp huyện:

Những năm gần đây, tình trạng ly hôn xảy ra thường xuyên hơn, phổ biến ở độ tuổi từ 20 – 30 tuổi. Nguyên nhân thường thấy nhất là mâu thuẫn gia đình, ngoại tình, rượu chè và bạo hành. Có những trường hợp chỉ do mâu thuẫn nhỏ, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên các cặp vợ chồng trẻ thường không giải quyêt được, làm mâu thuẫn lớn dần dẫn tới ly hôn.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết
  • Bài viết rất hay, nhẹ nhàng và sâu sắc

    Thuythuy -
    Fatal error: Uncaught Error: Call to undefined function ereg_replace() in /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/models/Common.php:140 Stack trace: #0 /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/views/scripts/cate/box_comment.phtml(22): Default_Model_Common::getPeriod('16-08-2017 09:0...', 'vi') #1 /home/www/baolongan/library/Zend/View.php(108): include('/home/www/baolo...') #2 /home/www/baolongan/library/Zend/View/Abstract.php(888): Zend_View->_run('/home/www/baolo...') #3 /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/views/scripts/cate/detail.phtml(1304): Zend_View_Abstract->render(NULL) #4 /home/www/baolongan/library/Zend/View.php(108): include('/home/www/baolo...') #5 /home/www/baolongan/library/Zend/View/Abstract.php(888): Zend_View->_run('/home/www/baolo...') #6 /home/www/baolongan/library/Zend/Controller/Action/Helper/ViewRenderer.php(897): Zend_View_Abstract->render(NULL) #7 /home/www/baolongan/library/Zend/Controller/Action/Helper/ViewRenderer.php(918): Zend_Control in /home/www/baolongan/frontends2/application/modules/default/models/Common.php on line 140