Tiếng Việt | English

14/12/2016 - 17:50

Những người kết nối hạnh phúc

“Gương vỡ lại lành!” - nhiều “mái nhà” tưởng chừng tan vỡ nhưng vẫn trong ấm, ngoài êm sau những mâu thuẫn gia đình. Chính những người làm công tác phụ nữ hay trưởng ấp cùng đến với các “mái nhà” ấy, lắng nghe, chia sẻ và phân tích để vợ chồng tìm lại tiếng nói chung. Họ là những người kết nối hạnh phúc, mang yêu thương trở về với bao mái ấm!


Bà Trần Thị Huyền Nga (bên trái) kết nối hạnh phúc cho nhiều gia đình có nguy cơ đỗ vỡ

1. Nghe tiếng chó sủa inh ỏi lúc nửa đêm, bà Trần Thị Huyền Nga vội xách đèn pin ra ruộng thăm chừng chiếc máy tưới bắp vì sợ bị trộm. Càng đi đến gần, bà nghe tiếng khóc thút thít trong đêm của một phụ nữ và một đứa trẻ. Thấy bà, chị MTP chạy đến ôm chầm. “Út ơi, con khổ quá! Mỗi lần chồng con say xỉn về đều kiếm chuyện, đánh đập vợ con. Con không chịu đựng nổi nữa. Tối nay cũng vậy, ảnh đuổi mẹ con con ra khỏi nhà, đập hết đồ đạc...” - chị P. nói trong nước mắt.

Thương người phụ nữ bất hạnh, bà Nga dẫn về nhà, mắc mùng cho 2 mẹ con ngủ tạm qua đêm. Sáng hôm sau, khi anh NNT (chồng chị P.) tỉnh táo, bà Nga sang nhà trò chuyện. Bà hỏi: “Sao nhà cửa con như bãi chiến trường vậy? Của cải vợ chồng cực khổ tạo ra, sao lại đập phá hết? Đêm qua, con có biết vợ và con của con ra sao, ở đâu không? Đập phá tài sản cũng là vi phạm pháp luật...”. Bà vừa “cứng”, vừa “mềm”, vừa tâm tình, giải thích, vừa dẫn chứng pháp luật nên anh T. nhận ra lỗi lầm và hứa khắc phục, không đánh đập vợ con nữa. Từ lần đó, anh chuyển biến tốt, đối xử với vợ con đàng hoàng, tử tế. Gia đình cũng hạnh phúc, ấm êm hơn!

Đó là câu chuyện của một gia đình ở ấp Bàu Trai Hạ, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa tưởng chừng đổ vỡ sau những trận bạo lực của chồng nhưng tìm lại yên vui mà bà kể. Bà Nga là như thế! Dù nửa đêm hay giữa trưa nắng, chỉ cần có người gọi điện thoại, tìm đến nhà để được giúp đỡ, hàn gắn lại những mâu thuẫn trong gia đình, bà sẵn lòng đến tận nơi lắng nghe, hòa giải thấu tình, đạt lý. Bây giờ, dù không còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú mà là Trưởng ấp Bàu Trai Hạ, bà Nga vẫn là địa chỉ quen thuộc để phụ nữ, nam giới tìm đến khi có xung đột gia đình xảy ra.

Bà Nga kể: “Năm trước, gia đình ông HVX cãi nhau lúc đêm khuya, ảnh hưởng đến giấc ngủ của hàng xóm nên họ gọi tôi đến giải quyết. Không ngại trời tối, tôi dắt xe ra khỏi nhà và đến nhà ông X. Vừa đến nơi, ông nói với tôi: “Ai mời chị đến, chuyện nhà tôi không cần chị xen vào!”. Thấy ông đang say xỉn nên tôi quay về. Nhưng quay về không phải là bỏ cuộc mà đợi lúc ông tỉnh táo, trở lại trò chuyện để biết nguyên nhân ai sai, ai đúng mà khuyên can”. Khi biết vụ việc, phải đến kịp thời để tránh những hậu quả không hay xảy ra. Làm một “sứ giả” kết nối hạnh phúc gia đình là phải dẹp tự ái, biết kiềm chế trước những lời khiếm nhã như thế. Chỉ cần vợ chồng họ hạnh phúc, tìm lại tiếng nói chung là bà vui. Đó là suy nghĩ của người làm nhiệm vụ kết nối hạnh phúc gia đình như bà Nga.

Đặc biệt, để hàn gắn thành công, bà Nga vận dụng những kỹ năng riêng. Trước khi hòa giải, bà tìm hiểu nguyên nhân sự việc xảy ra trong gia đình từ vợ hoặc chồng. Bà tìm gặp từng người để lắng nghe và tâm sự, dẫn chứng những phẩm chất đạo đức truyền thống, chỉ ra cái sai của mỗi bên theo Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.

“Trong hòa giải, không trọng nữ, bỏ nam hay ngược lại mà phải công bằng với cả hai. Phải chia sẻ, trao đổi với vợ và chồng bằng tư cách những người trong gia đình tâm sự với nhau. Đặc biệt, khi hòa giải, tôi trực tiếp đến nhà, gặp riêng từng người chứ không mời đến văn phòng ấp. Bởi, chuyện gia đình là tế nhị, nếu mời đến văn phòng ấp nhiều người sẽ biết, họ dễ mặc cảm dẫn đến hậu quả không hay” - bà Nga chia sẻ về cách hòa giải.


Chị Đặng Thị Điệp (bên trái) tâm sự cùng chị em phụ nữ để tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống gia đình

2. Một lần, trên đường đạp xe về nhà, bà T., ở ấp Đức Hạnh 2, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa gọi chị Đặng Thị Điệp - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đức Lập Hạ vào nhà trình bày nỗi bức xúc trong gia đình. Hàng ngày, bà T. buôn bán nhỏ, lời lãi chẳng bao nhiêu nhưng khi về đến nhà phải vét sạch túi đưa chồng. Chồng bà T. - ông B. rất gia trưởng, giữ tài chính, chi li trong chi tiêu. Sau một thời gian chịu đựng kiểu sống khắt khe của chồng, “tức nước vỡ bờ” nên bà tâm sự cùng chị Điệp với hy vọng chị khuyên can chồng bà hiểu và thay đổi cách sống.

“Mấy lần gặp ông B., ông nói rằng, vợ chồng bất đồng là do kinh tế khó khăn. Nhưng qua tìm hiểu, tôi biết, nguyên nhân chính là tính gia trưởng của ông. Lần đó, tôi cùng Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho ông vay vốn chăn nuôi. Tôi cũng giải thích lối sống gia trưởng là không đúng, vợ chồng phải biết chia sẻ cùng nhau để con cái noi theo, học tập. Từ đó, ông bớt gia trưởng, lo làm ăn nên cuộc sống ổn định” - chị Điệp kể lại.

Không chỉ có quan điểm sống, những vết rạn trong gia đình còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo chị Điệp, ở địa bàn xã Đức Lập Hạ, những cặp vợ chồng tìm đến chị là những đôi vợ chồng trẻ, làm công nhân, xảy ra ghen tuông, mất niềm tin ở nhau. Hàn gắn cho những đôi này rất khó nên phải nói thế nào cho chồng, vợ hiểu để cùng nhau vun vén hạnh phúc, chăm lo nuôi dạy con.

Chị Điệp nói rằng: “Thông thường, tùy vào đối tượng, hiểu rõ nguyên nhân thì nói chuyện sẽ thuyết phục hơn. Có một đôi vợ chồng trẻ ở ấp Đức Hạnh 2, chồng đi làm, vợ ở nhà đưa rước con nhưng không chăm lo cơm nước hàng ngày, dọn dẹp cửa nhà. Khi chồng nhắc thì vợ cãi lại. Người chồng tìm gặp tôi, nhờ tôi khuyên giải để vợ hiểu. Bữa cơm gia đình là sợi dây kết nối yêu thương, là phụ nữ, lại không bận bịu công việc thì nên sắp xếp, gìn giữ “nếp nhà”. Tôi nói nhiều về truyền thống, phẩm chất đạo đức phụ nữ như thế nên người vợ hiểu, chăm lo hạnh phúc gia đình tốt hơn”.

Có lần, đôi vợ chồng trẻ quê ở miền Tây đến địa phương sinh sống, làm công nhân. Sau thời gian sống đời chồng vợ, người chồng có nhân tình, người vợ lại tìm đến chị Điệp nhờ viết đơn ly hôn. Nghe vụ việc, chị quyết định hàn gắn cho 2 người thay vì quyết định ly hôn.

“Ai cũng còn trẻ, ly hôn, chắc chắn sẽ đi bước nữa. Người chồng, người vợ sau này biết có được như vợ, chồng hiện tại, biết có thương yêu, chăm lo tốt cho con mình không? Vợ chồng có chuyện thì cùng nhau ngồi lại tìm hướng giải quyết chứ đừng nên ly hôn... Nghe chị nói, hai vợ chồng quyết định không đưa nhau ra tòa. Hơn nữa, chị cũng tìm gặp “người thứ 3” để tâm tình, người này hiểu và rút lui, trả lại hạnh phúc gia đình” - chị Điệp bộc bạch.

Để gia đình trở lại những bữa cơm lành, canh ngọt như thế không phải dễ. Chị Điệp phải sắp xếp gặp riêng từng người để tìm hiểu. Dù là ngày nghỉ cuối tuần hay buổi tối, chị vẫn đi miễn là tiếp cận được đối tượng. Cũng có trường hợp, mâu thuẫn gia đình kéo dài cả năm, chị tới lui cả chục lần để hàn gắn hạnh phúc. Thật vất vả nhưng thấy vợ chồng trở lại những ngày êm ấm, chị thở phào nhẹ nhõm.

Những người kết nối hạnh phúc, dù bị cho là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng vẫn sẵn lòng đến với các gia đình có nguy cơ rạn nứt để hàn gắn yêu thương. Họ lấy niềm vui hòa thuận của nhiều mái nhà làm niềm vui, động lực cho mình trong công việc “sứ giả” nối kết hạnh phúc./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết