Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)Đầu ra là yếu tố quyết định
Phó Thủ tướng khẳng định giáo viên là yếu tố quyết định, nhất là khi triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Trong khi xã hội mong muốn vào sư phạm phải là những người giỏi thì điểm chuẩn đầu vào sư phạm lại thấp.
Phân tích nguyên nhân thực trạng điểm chuẩn sư phạm năm nay nhìn chung rất thấp, Phó Thủ tướng khẳng định điều này không hẳn do chất lượng đào tạo của các trường thấp mà nguyên nhân chính là do học xong khó xin việc.
Sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm các cấp, cả đại học, xin việc khó, tìm việc khác cũng khó. Nhiều trường phổ thông giáo viên ra trường dạy hợp đồng nhiều năm cũng không được vào biên chế. Đó là chưa nói đến chế độ đãi ngộ.
Trong khi đó, người dân biết học gì ra trường tìm việc dễ, cái nào khó. Nơi nào ra có việc ngay, lương cao, nhất là lại có biên chế thì điểm đầu vào cao.
“Thống nhất quan điểm đầu ra đảm bảo là yếu tốt quyết định, chúng ta cũng phải thừa nhận thực tế là chúng ta có thiếu sót, chưa làm tốt vấn đề quy hoạch nên dẫn đến thừa thiếu giáo viên cục bộ. Thừa giáo viên ở cấp này, thiếu cấp kia, thừa môn này thiếu môn kia, thừa nơi này thiếu nơi khác. Trong khi đó, không thể bắt giáo viên văn sang dạy toán. Không thể đưa giáo viên cấp trên xuống cấp dưới dạy mà không qua đào tạo,” Phó Thủ tướng nói.
Quang cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đàm với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số trường, chuyên gia giáo dục. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Quy hoạch sát thực tế gắn với đặt hàng đào tạo
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đánh giá nhu cầu giáo viên thật sát đến từng cấp, từng môn.
Với đội ngũ đã có, trong số các giáo viên dư thừa, Bộ cần xác định số nào có thể đào tạo chuyển đổi được. Phải xem toàn bộ hệ thống, số lượng giáo viên biên chế chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực đào tạo thì phải chuẩn hóa, nâng dần trình độ lên đại học.
Giáo viên cũ phải được tập huấn tăng cường hơn rất nhiều. Không chỉ tập huấn đào tạo một lần cho phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới mà phải tạo nếp cho giáo viên về việc thường xuyên cập nhật.
“Ta phải nhìn thẳng vào sự thật là chất lượng giáo viên của chúng ta nói chung một bộ phận rất tốt, một bộ phận chậm cập nhật nên không đáp ứng được nhu cầu, nhất là khi đổi mới,” Phó Thủ tướng nói.
Với đào tạo sư phạm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có đợt kiểm định, đánh giá ít nhất ở mức xác định được mặt bằng sư phạm ở các địa phương để thực hiện quy hoạch, phân bổ, sắp xếp lại.
Theo ông, không phải tất cả nhưng cũng tương đối, không phải số ít, chất lượng đào tạo của các trường sư phạm chưa tốt. Hệ thống sư phạm, do nhiều lý do, có nhiều trường và địa phương quản lý là chính.
Trong khi đó, riêng giáo viên, phân bổ nhân lực có tính địa phương, Người tỉnh nào phần đông về dạy tỉnh đó. Vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu không chú ý đến chất lượng đào tạo sư phạm của các tỉnh thì sẽ ảnh hưởng đến giáo dục của cả tỉnh.
Do đó, ông yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt xem lại chất lượng từng trường, ở từng nơi, gắn với chỉ tiêu và cơ chế đặt hàng. Các trường sư phạm phải ngồi lại với Bộ để bàn về vấn đề đặt hàng đào tạo.
“Chúng ta cứ nói đặt hàng nhưng mấy năm nay chưa làm. Tôi hoan nghênh Bộ đã có buổi làm việc với các trường sư phạm và thống nhất vấn đề đặt hàng đào tạo. Tuy nhiên, thống nhất nguyên tắc nhưng không ra được hướng dẫn cụ thể như đặt hàng như thế nào, thì các trường cũng loay hoay. Khi loay hoay như vậy thì cũng không tránh khỏi việc họ tìm mọi cách để tồn tại,” Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch mạng lưới và đặt hàng đào tạo, Phó Thủ tướng cho biết ông rất chia sẻ với đội ngũ giáo viên, cán bộ đang công tác trong các trường sư phạm, không phải nơi nào cũng có chất lượng chưa tốt.
“Nhưng trong đổi mới thì phải vì lợi ích chung. Tinh thần là không thể vì 8.000 giáo viên, cán bộ công nhân viên đang công tác trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm mà coi nhẹ chất lượng đào tạo giáo viên,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo TTXVN