Tiếng Việt | English

09/03/2016 - 08:56

Phòng, chống bạo lực gia đình từ cơ sở

Tình trạng bạo lực gia đình ngày nay (BLGĐ) tồn tại dưới nhiều hình thức. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến BLGĐ thường xảy ra ở những gia đình mắc tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập, hoàn cảnh gia đình túng thiếu, khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm, kết hôn sớm hoặc áp đặt kết hôn,... Hơn nữa do sự bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống BLGĐ, thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp dẫn đến gia đình có mâu thuẫn, xung đột không thể hàn gắn được.

Bí thư Chi bộ ấp 4 là hạt nhân xây dựng mô hình PCBLGĐ đạt hiệu quả từ cấp cơ sở

Người bị BLGĐ cần được tư vấn, giúp đỡ

Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ). Đặc biệt, với vai trò của cán bộ cơ sở, các tổ chức hội phát huy hiệu quả thông qua biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn. Biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư được áp dụng với nơi xảy ra BLGĐ. Biện pháp này hiệu quả đối với những vụ BLGĐ chưa đến mức độ nguy hại, đây là hình thức tuyên truyền Luật PCBLGĐ hiệu quả.

Ngoài ra, các cơ quan áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc (1 vụ); tạm giữ, xử phạt hành chính 39 vụ. Đặc biệt, có vụ dẫn đến tử vong phải truy cứu trách nhiệm hình sự xảy ra tại thị xã Kiến Tường (chồng giết vợ trước mặt con). Vụ án để lại nỗi đau không chỉ những người trong cuộc mà còn là bài học cảnh tỉnh cho BLGĐ đang diễn biến hết sức phức tạp và có những vụ đặc biệt nghiêm trọng.

Các ngành, các cấp xây dựng 939 địa chỉ tin cậy (nông thôn có 809 địa chỉ) để người bị BLGĐ tìm đến khi có BLGĐ, các địa chỉ tin cậy đa số là những cán bộ có uy tín ở địa phương, nắm vững luật pháp và sẵn sàng bảo vệ nạn nhân bị BLGĐ.

Tỉnh còn có 780 cơ sở khám, chữa bệnh hoàn toàn có thể điều trị những chấn thương về thể chất và tinh thần cho người bị BLGĐ ở từng mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trong số hơn 100 nạn nhân bị BLGĐ chỉ có 37 người tìm đến địa chỉ tin cậy để được che chở và tư vấn thoát khỏi tình trạng ức chế dễ dẫn đến những nguy cơ khác; có 44 người gây BLGĐ được cán bộ cấp cơ sở tư vấn và 32 nạn nhân được tư vấn; có 6 người tìm đến cơ sở khám, chữa bệnh, 2 nạn nhân tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Xây dựng nhiều mô hình PCBLGĐ

Chị Châu Kiều Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ cho biết: "Thực hiện Đề án 343, Hội LHPN xã tăng cường tuyên truyền PCBLGĐ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc cho 495 hội viên và hàng ngàn phụ nữ trong xã. Tại 5 chi hội đều thành lập câu lạc bộ pháp luật và thường xuyên lồng ghép tư vấn cho chị em hiểu biết các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, PCBLGĐ. Năm 2015, trên địa bạn xã không xảy ra tình trạng BLGĐ".

Trước đây, trên địa bàn ấp 4, xã Lạc Tấn xảy ra câu chuyện BLGĐ khá hy hữu là vợ bạo lực với chồng. Nguyên nhân chính do người chồng quá nhẫn nhịn, người vợ được thế lấn lướt. Người vợ không lo làm ăn chỉ trông chờ vào công việc của chồng. Khi tìm hiểu được nguyên nhân của tình trạng trên, Hội LHPN xã cử cán bộ xuống can thiệp và tuyên truyền Luật PCBLGĐ, sau đó, người vợ hiểu, vợ chồng họ hàn gắn và chí thú làm ăn.

Bí thư Chi bộ ấp 4 - Võ Thị Sánh là cơ sở tin cậy của nạn nhân BLGĐ tại ấp, chị thường xuyên tìm hiểu, phân công thành viên đoàn thể và trực tiếp phụ trách gia đình có biểu hiện BLGĐ để kịp thời can thiệp. Trước kia, ấp có tình trạng BLGĐ, đến nay, 2 năm liền (2014-2015), trên địa bàn ấp 4 không còn xảy ra tình trạng này.

Từ thành công của mô hình trên, Hội LHPN xin ý kiến Đảng ủy, UBND xã nhân rộng mô hình Phụ nữ tự trọng-tự tin ra các khu vực khác trong xã, kết quả rất khả quan. Năm 2015, trên địa bàn xã Lạc Tấn không xảy ra tình trạng BLGĐ, Hội LHPN xã được Đảng ủy biểu dương khen thưởng. Từ mô hình này, xuất hiện nhiều hội viên PN tham gia tư vấn, hòa giải bảo đảm hạnh phúc gia đình cho các hộ có tình trạng BLGĐ.

Hằng năm, Hội LHPN tỉnh thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cho hội viên và PN về PCBLGĐ, qua đó nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và sự tích cực tham gia PCBLGĐ của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, đề cao vai trò của tổ chức và hội viên Hội LHPN, nhất là ở cơ sở nhằm kịp thời động viên, thuyết phục ngăn ngừa BLGĐ có thể xảy ra, khi xảy ra rồi thì kịp thời hỗ trợ, tư vấn và bảo vệ những nạn nhân của BLGĐ.

Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An, năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 100 vụ bạo lực gia đình, trong đó, ở khu vực nông thôn chiếm khá cao với 81 vụ. Đối tượng gây BLGĐ chủ yếu là nam giới, chiếm 98%. Độ tuổi bị BLGĐ trong khoảng từ 15 - 59 tuổi, nạn nhân trên 60 tuổi có 5 người. Đặc biệt, có 3 vụ trẻ em dưới 16 tuổi bị ảnh hưởng bởi BLGĐ.

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết