Tiếng Việt | English

06/03/2019 - 11:22

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Cần quyết tâm và biện pháp đồng bộ - Bài 1: Tham nhũng, “tham nhũng vặt” xảy ra trên nhiều lĩnh vực

Hàng loạt các vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí được các cơ quan chức năng tỉnh Long An xử lý kịp thời, tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, nhất là “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra và thậm chí diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Cải cách thủ tục hành chính - một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng

Cải cách thủ tục hành chính - một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng

“Tham nhũng vặt” (TNV) có giá trị vật chất không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xảy ra phổ biến trên tất cả lĩnh vực đời sống, xã hội. Đôi khi, “TNV” xảy ra có sự thỏa hiệp giữa cán bộ, người dân, doanh nghiệp nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Muôn kiểu tham nhũng, “tham nhũng vặt”

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Long An, mặc dù công tác phòng, chống tham những (PCTN) thời gian qua tại Long An được thực hiện quyết liệt, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, công tác PCTN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng” như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đề ra.

Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững cho rằng, hiện nay, tình trạng tham nhũng, lãng phí còn xảy ra. Đó phải kể đến như việc lợi dụng thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ án, vụ việc để vòi vĩnh, gây bức xúc trong nhân dân. Trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải “bôi trơn”, “lót tay”, “đi cửa sau” để được thuận lợi trong công việc. Lĩnh vực đấu thầu, đầu tư, xây dựng vẫn còn hiện tượng không minh bạch, phải lo lót, chung chi phần trăm để được trúng thầu; việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải “bồi dưỡng” nếu không muốn hồ sơ bị trả nhiều lần hoặc kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ. Lĩnh vực y tế, muốn khám bệnh, điều trị nhanh, chất lượng phục vụ tốt, phải có “phong bì” cho bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ.

Đặc biệt trong tham nhũng, nổi lên là tình trạng “TNV” diễn ra khá phổ biến, trên nhiều lĩnh vực, biểu hiện qua nạn hối lộ trong dịch vụ hành chính, dịch vụ công, “lót tay” khi giao dịch với các cơ quan công quyền; cán bộ, công chức, viên chức còn có tình trạng nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính, giấy tờ. Ngoài ra, tồn tại “TNV”, nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trên các lĩnh vực khác như giáo dục, giao thông đường bộ, hải quan, thuế, tư pháp,... tạo dư luận bức xúc trong nhân dân.

“Tham nhũng vặt” có sự thỏa hiệp giữa cán bộ, doanh nghiệp và người dân

Mặc dù “TNV” có giá trị vật chất không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xảy ra phổ biến trên tất cả lĩnh vực đời sống, xã hội. Đôi khi, “TNV” xảy ra có sự thỏa hiệp giữa cán bộ, người dân, doanh nghiệp nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Từ đó, tạo điều kiện để cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cao hơn.

Theo đánh giá của Ban Nội chính Tỉnh ủy, sở dĩ tình trạng tham nhũng, đặc biệt là “TNV” xảy ra trong thời gian qua một phần do công tác cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, cơ chế xin - cho trong hoạt động công vụ còn phổ biến, một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, bất hợp lý. Nhiều thủ tục, quy định của Nhà nước chưa được công khai, minh bạch,... qua đó, tạo kẽ hở cho cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, nhũng nhiễu và có điều kiện để “TNV”. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN và xử lý nghiêm cán bộ có hành vi “TNV”. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị PCTN và trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ, công chức thực hiện công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu, trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có lúc còn chưa thường xuyên nên chậm trong phát hiện, xử lý cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “TNV” đối với công dân, doanh nghiệp. Mặt khác, nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa mạnh dạn đấu tranh, phê phán biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, “TNV” và cơ chế tiếp nhận thông tin, phản ánh về tham nhũng, “TNV” chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời.

Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng tham nhũng hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho rằng, công tác PCTN, lãng phí rất khó khăn, phức tạp nên dù có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện, song công tác này thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. “Điều đáng quan tâm là giữa quyết tâm chính trị và hành động còn khoảng cách đáng kể, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ và đang trong quá trình bổ sung, điều chỉnh, từ đó chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản; công tác PCTN, lãng phí chưa đi vào chiều sâu và trở thành ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mặt khác, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí ở nhiều nơi chưa được thực hiện đồng bộ, thiếu tập trung; sự phối hợp trong đấu tranh, PCTN, lãng phí có lúc thiếu chặt chẽ. Do đó, tham nhũng, lãng phí, “TNV” còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực, gây dư luận không tốt và làm giảm uy tín, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần cho biết.

PCTN, lãng phí vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

(còn tiếp)

Bài 2: Hàng loạt vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng

Kiên Định

Chia sẻ bài viết