Tiếng Việt | English

01/02/2021 - 16:50

Quân đội Myanmar thông báo thời điểm tổ chức bầu cử

Quân đội Myanmar nêu rõ trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11/2020 sẽ được xem xét lại.


Tổng thống Myanmar Win Myint (phải) bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại điểm bầu cử ở Naypyidaw ngày 29/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tân Hoa xã ngày 1/2 đưa tin quân đội Myanmar thông báo cuộc bầu cử mới ở nước này sẽ được tổ chức sau khi tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm kết thúc.

Sau đó, lực lượng này sẽ trao lại quyền điều hành đất nước cho chính phủ mới.

Quân đội Myanmar nêu rõ trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar sẽ được cải tổ và kết quả cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11/2020 sẽ được xem xét lại.

Lực lượng này cho biết thêm quyền điều hành đất nước sẽ được chuyển giao cho Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing.

Trước đó, người phát ngôn của NLD, ông Myo Nyunt, xác nhận quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch Soe Nyunt Lwin cùng một số quan chức khác thuộc NLD sáng 1/2.

Sau đó, Văn phòng Tổng thống Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm và quân đội kiểm soát. Phó Tổng thống thứ nhất U Myint Swe ký tuyên bố này.

Theo tuyên bố, quyền lãnh đạo nhà nước sẽ được giao cho Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Các chức năng lập pháp của Quốc hội bị đình chỉ.

Các nguồn tin cho biết quân đội Myanmar đã kiểm soát chính quyền và cơ quan lập pháp ở nhiều khu vực.

Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn tại thủ đô Nay Pyi Taw và nhiều khu vực khác.

Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cũng thông báo không thể phát sóng trong sáng 1/2.

Ngoài ra, hãng tin Reuters đưa tin tất cả các ngân hàng tại Myanmar đã tạm dừng mọi dịch vụ do đường truyền Internet kém liên quan diễn biến chính trị tại nước này.

Trước tình hình này, Malaysia đã kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar giải quyết mọi tranh chấp bầu cử một cách hòa bình.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh Malaysia ủng hộ việc tiếp tục thảo luận giữa các các nhà lãnh đạo của Myanmar để tránh hậu quả bất lợi cho người dân và đất nước Myanmar, đặc biệt là trong tình hình khó khăn hiện nay do đại dịch COVID-19."

Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố nước này quan ngại "sâu sắc" về tình hình đang diễn ra tại Myanmar và kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế và hợp tác hướng tới một kết quả hòa bình.

Bộ Ngoại giao Singapore nhấn mạnh: "Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình mới nhất ở Myanmar. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ thực hiện kiềm chế, duy trì đối thoại và hướng tới một kết quả tích cực và hòa bình."

Người phát ngôn của Tổng thống Philiipines Harry Roque cho biết nước này sẽ ưu tiên cho sự an toàn của công dân Philippines ở Myanmar và coi những sự kiện vừa xảy ra là "vấn đề nội bộ (của Myanmar) mà chúng tôi sẽ không can thiệp."

Trong khi đó, Ấn Độ cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những diễn biến ở Myanmar và hy vọng pháp quyền ở Myanmar phải được tuân thủ.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi sau khi quân đội Myanmar tuyên bố nắm quyền kiểm soát đất nước./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết