Tiếng Việt | English

30/07/2018 - 16:25

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu

Chi cục Kiểm lâm Long An cấp cây trồng phân tán năm 2018

Chi cục Kiểm lâm Long An cấp cây trồng phân tán năm 2018

Sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 05/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, các cấp, các ngành và người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng.

Diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt, không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Việc trồng cây gây rừng, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu được người dân tích cực tham gia.

Ngành chức năng, địa phương tổ chức 17 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, với trên 1.600 người tại 17 xã có diện tích rừng tham gia.

Qua đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chuyển mục đích rừng trái pháp luật không xảy ra.

Mùa khô năm 2018 xảy ra 4 vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh nhưng công tác phòng cháy, chữa cháy được thực hiện hiệu quả, kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ: "Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ". Tỉnh luôn chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư nghiệp; thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và giữ vững ổn định diện tích rừng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là 25.000ha (độ che phủ 5,56%).

Đối với rừng đặc dụng (1.961ha), thực hiện bảo tồn nguyên trạng, tạo môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đặc thù vùng Đồng Tháp Mười, phát triển cây dược liệu, nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học kết hợp khai thác cảnh quan, phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

Tỉnh Long An ban hành 2 quyết định công nhận 2 khu rừng đặc dụng cấp tỉnh: Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và Khu Bảo tồn đa dạng sinh học - cây dược liệu Đồng Tháp Mười.

Đối với rừng phòng hộ (2.026ha), có biện pháp lâm sinh tác động nhằm nâng cao chất lượng và khả năng phòng hộ của rừng. Xây dựng dãy rừng phòng hộ tuyến biên giới kết hợp quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngày 23/12/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5469/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Trồng rừng phòng hộ tuyến biên giới và vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc, tỉnh Long An. Năm 2017 trồng được 10ha tại huyện Vĩnh Hưng; kế hoạch năm 2018 trồng 26ha rừng phòng hộ biên giới tại 2 huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng.

Rừng sản xuất (18.802ha), xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hợp lý và đúng quy định nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân an tâm đầu tư sản xuất, phát triển và giữ vững diện tích rừng. Tạo điều kiện đầu ra cho rừng trồng, tìm thị trường tiêu thụ ổn định, chú trọng năng suất, chất lượng; đồng thời kết hợp sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và các dịch vụ khác. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh trồng được 1.740ha (trồng mới 259ha, trồng lại rừng sản xuất sau khai thác 1.481ha).

Để tăng diện tích cây lâm nghiệp, tỉnh đẩy mạnh trồng, chăm sóc, bảo vệ cây phân tán. Năm 2017 đến nay, toàn tỉnh trồng được khoảng 3,5 triệu cây phân tán, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phấn đấu đến năm 2020, độ che phủ của cây lâm nghiệp đạt 11%. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện sâu, rộng, hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW và Chương trình số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy; xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng./.

Minh - Quyên

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích