Tiếng Việt | English

24/11/2021 - 10:10

Quê hương anh hùng khoác 'áo mới'

Phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và người dân thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc.

Chiến thắng vang dội năm xưa

Nhằm bình định các vùng nổi dậy, năm 1963, Mỹ - Diệm áp dụng chiến lược chiến tranh đặc biệt. Long An nằm trong “ưu tiên số một” của chính quyền Ngô Đình Diệm và xác định đây là vùng trọng điểm, đặc biệt của chương trình ấp chiến lược. Quân địch tổ chức, tăng cường binh lực về Long An; đồng thời, tập trung lực lượng càn quét, cưỡng bức, gom dân vào các ấp chiến lược nhằm cô lập với cách mạng, phá vỡ thế trận chiến tranh nhân dân.

Chiến thắng Hiệp Hòa mãi là mốc son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc

Tỉnh ủy Long An đưa ra phương hướng chỉ đạo: “Phá toàn bộ ấp chiến lược của địch, mở rộng căn cứ, khôi phục lại thế của vùng giải phóng, tạo điều kiện đẩy chiến tranh nhân dân lên một bước mới...” nhằm đánh bại âm mưu bình định của địch.

Mục tiêu trong tầm ngắm là căn cứ Hiệp Hòa, Trung tâm Huấn luyện biệt kích có quy mô vào loại lớn nhất ở miền Nam và là nơi đào tạo cán bộ khung đại đội biệt kích ngụy, do cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện; đồng thời, là một cứ điểm quân sự hiện đại, khống chế vùng căn cứ cách mạng ở Đức Huệ và án ngữ khu vực ngã ba của trục hành lang nối liền Đông Nam bộ - Đông Nam Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long. Đại đội 1 Cơ động - tiền thân của Tiểu đoàn 1 Long An được giao nhiệm vụ chủ công trong trận đánh căn cứ Hiệp Hòa.

Đêm 22/11/1963, lực lượng công đồn gồm 4 đại đội, trong đó có 2 đại đội đặc công, 1 đại đội DDK75 của Quân khu 8 tăng cường, 1 phân đội hỏa lực cối 82. Đại đội 2 của tỉnh mới thành lập nên làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Theo kế hoạch, khi chiếm lĩnh trận địa, đặc công của ta sẽ cắt các hàng rào thép gai, dẫn xung kích tiến sâu vào tiếp cận mục tiêu. Đúng 0 giờ, đồng chí Vũ Điệp - Chỉ huy phó điểm đánh, dẫn tổ bộc phá đánh vào lô cốt. Bắt được ám hiệu, nội tuyến Ba Tô quay trở vào lô cốt, quay nòng khẩu đại liên vào trong. Một nội tuyến khác dùng đèn pha rọi về trung tâm căn cứ. Đúng lúc này, một tiểu đội biệt kích đi tuần tra tới, quát hỏi um sùm. Khi chúng còn cách khoảng 6 - 7m, đặc công và nội tuyến đồng loạt nổ súng tiêu diệt gọn rồi ôm bộc phá xung phong vào khu nhà chỉ huy Mỹ. Khu nhà này chất các thùng đạn cao ngất ngưởng nên khi mìn nổ kéo theo cả “tường thành” này nổ tung. Điện tắt toàn bộ, đài thông tin vô tuyến điện của địch cũng bị phá hủy. Căn cứ Hiệp Hòa rực lửa.

Chớp thời cơ, bộ binh tràn vào, các mũi xung kích đánh ào ạt khiến địch không kịp trở tay. Chỉ trong khoảng nửa giờ đồng hồ, căn cứ biệt kích Hiệp Hòa bị tiêu diệt. Gần 90 tên địch bị tiêu diệt, hơn 100 tên bị bắt sống, thu gần 800 súng các loại và gần 4 tấn đạn các loại. Số tù binh bắt được, cán bộ binh vận tỉnh Long An phối hợp bộ đội chỉ giáo dục rồi thả ngay tại chỗ. Riêng 4 cố vấn Mỹ được áp tải bằng xuồng máy về căn cứ của tỉnh,...

Chiến thắng trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963 như mở ra thế phá ấp chiến lược của địch tại Long An, lập nên chiến công hiển hách. Đây là trận thắng lớn có tiếng vang trên chiến trường Nam bộ và cả miền Nam lúc bấy giờ. Chỉ mấy tháng sau đó, sau ngày 23/11/1963 lịch sử ấy, nối tiếp trận Hiệp Hòa, quân và dân Long An tiêu diệt thêm nhiều đồn bót địch, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn trong toàn tỉnh,...

Tiếp bước thế hệ cha anh xây dựng quê hương

Mặc dù chiến tranh lùi xa nhưng trận thắng cách đây 58 năm mãi là mốc son chói lọi trong trang sử hào hùng của dân tộc nói chung, của chính quyền và người dân Hiệp Hòa nói riêng.

Diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc

Bà Nguyễn Thị Huyền (khu phố 4, thị trấn Hiệp Hòa) chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra trong thời bình, không phải sống dưới bom đạn của kẻ thù như thời cha ông nhưng mọi người ai nấy đều biết và tự hào về những chiến công chói lọi trong trang sử hào hùng của quê hương, dân tộc. Để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hiện nay, ngày xưa, thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân, vì vậy, thế hệ sau này luôn biết ơn, trân trọng, kế thừa, ra sức xây dựng quê hương giàu, đẹp”.

Còn ông Trần Văn Mai (khu phố 2, thị trấn Hiệp Hòa) cho biết: Người dân luôn chung sức, đồng lòng cùng địa phương hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết quê hương. So với trước đây, hiện nay, thị trấn thay đổi rất lớn từ diện mạo cho đến chất lượng cuộc sống của người dân. Cơ sở vật chất, hạ tầng: Điện, đường, trường học, trạm y tế, khu dân cư,... được đầu tư, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Phát huy truyền thống anh hùng, chính quyền địa phương, người dân tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để xây dựng thị trấn Hiệp Hòa đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025

Chủ tịch UBND thị trấn Hiệp Hòa - Trần Thanh Dân thông tin: Dù còn gặp khá nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, chính quyền, người dân luôn phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực vượt khó để xây dựng quê hương. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. 5 khu phố đều được công nhận khu phố văn hóa, 100% hộ đăng ký gia đình văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua hàng năm, nếu năm 2015 khoảng 20 triệu đồng thì hiện nay đạt gần 40 triệu đồng/năm. Thị trấn đang trung hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí, chỉnh trang đô thị để phấn đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết