Tiếng Việt | English

23/04/2021 - 08:55

Đổi thay trên quê hương anh hùng cách mạng

Những địa phương từng là căn cứ địa cách mạng, mang vết tích chiến tranh nay đã “thay da, đổi thịt”, khoác lên mình tấm áo mới của sự phát triển.

Những “vùng trắng” chiến trường

Trong chiến tranh, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi là 2 địa phương của huyện Bến Lức, tỉnh Long An được xem như “vùng trắng” bởi bom, đạn, hóa chất của kẻ thù rải xuống như trút nước. Nơi đây, ngay sau ngày thành lập Đảng, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tân An được thành lập tại làng Thạnh Lợi, do đồng chí Huỳnh Văn Nổi làm Bí thư.

Từ đó, phong trào đấu tranh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bước sang những trang sử mới. Những người con quê hương Thạnh Lợi không tiếc máu, xương góp mặt trong những đội nghĩa binh chống quân Pháp xâm lược ngay từ những năm 60 của thế kỷ XIX trên khắp các vùng Cần Giuộc, Sài Gòn - Chợ Lớn đến 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trên vùng đất này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lòng yêu nước của nhân dân, nhiều cơ sở và lực lượng cách mạng nhanh chóng được xây dựng và duy trì, củng cố dù có lúc gặp hoàn cảnh khó khăn nhất để cùng làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Diện mạo xã Thạnh Lợi có bước phát triển vượt bậc

Hòa bình lập lại chưa được bao lâu, người dân Thạnh Lợi tiếp tục bước vào 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Theo Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi - Nguyễn Hồng Tâm, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân xã Thạnh Lợi đối mặt với muôn vàn khó khăn do có vị trí chiến lược, từng là nơi đứng chân của nhiều cơ quan dân - chính - đảng, các đơn vị vũ trang của tỉnh, huyện. Cũng chính vì thế, Mỹ - ngụy dùng mọi thủ đoạn, phương tiện để đánh phá. Bom, mìn liên tục trút xuống, chất độc hóa học được rải phủ khắp vùng đất này nhằm biến nơi đây thành “vùng trắng”.

“Song, mọi thủ đoạn đánh phá của Mỹ - ngụy không bao giờ khuất phục được ý chí đấu tranh, lòng dũng cảm, yêu nước của những người con quê hương. Trên vùng đất này, người dân vẫn kiên cường bám trụ, đánh địch mọi lúc, mọi nơi dù phải hy sinh gian khổ. Có những lúc, lực lượng vô cùng khó khăn tưởng chừng không thể khắc phục nhưng người dân Thạnh Lợi một lòng theo Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, chiến đấu kiên trung, chưa bao giờ lực lượng cách mạng bị đứt gãy. Tiêu biểu nhất là trận đánh đình Mương Trám vào ngày 27/4/1964. Dù lực lượng không cân sức nhưng Tiểu đoàn 1, Long An cùng quân, dân xã Thạnh Lợi tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 38 biệt động quân của địch và 2 đại đội bảo an, thu 200 súng, 40 thùng đạn, bắn hạ 4 chiếc tàu chiến của địch,… Với những đóng góp to lớn đó, năm 1998, quân và dân Thạnh Lợi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” - Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi - Nguyễn Hồng Tâm cho biết. Qua 2 cuộc chiến tranh, Thạnh Lợi có 42 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 231 liệt sĩ cùng hàng trăm gia đình có công với cách mạng.

Đình Mương Trám - nơi ghi dấu lịch sử trên vùng đất Thạnh Lợi anh hùng

Nếu như Mỹ - ngụy biến vùng đất Thạnh Lợi thành “vùng trắng” thì những giữa năm 1965, các xã vùng ven TP.HCM trên địa bàn huyện Cần Đước và Cần Giuộc trở thành chiến trường chính, ác liệt khi Mỹ trực tiếp đưa quân viễn chinh đến tham chiến. Sau nhiều lần bắn phá thăm dò, sáng ngày 20/12/1966, trong tiếng nổ không dứt của đạn pháo, tiếng động cơ máy bay, xe tăng, Mỹ chính thức thiết lập căn cứ Rạch Kiến với diện tích khoảng 16.000m2 dọc 2 bên lộ 18 cũ thuộc ấp 5, xã Long Hòa và ấp 2, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, với quy mô căn cứ quân sự cấp lữ đoàn gồm Lữ đoàn 3 và Sư đoàn 9 bộ binh cùng nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại. Khu căn cứ này còn được bố trí phòng thủ bằng 6 lớp rào dây thép gai đủ loại và 3 lớp mìn, thường xuyên có lính tuần tra, phục kích bên ngoài. Đây được xem là căn cứ lớn nhất của Mỹ - ngụy tại miền Nam.

Trong khi đó, ngoài lực lượng bộ đội chủ lực của tỉnh được tăng cường, quân ta tại huyện Cần Đước chỉ có C315, 3 trung đội độc lập với quân số khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ và 5 trung đội du kích liên xã, mỗi trung đội khoảng 20 người. Mỗi xã cũng chỉ có 1 trung đội du kích tập trung và 1 đội biệt động tại thị trấn. Dù thua kém về lực lượng, trang thiết bị vũ khí nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, sự sáng tạo trong chiến tranh, đánh địch bằng nhiều hình thức, kết hợp với binh vận, địch vận, đấu tranh chính trị,... chỉ trong vòng 1 tháng, hàng chục chiến sĩ, du kích địa phương đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Và sau gần 1.000 ngày chiến đấu dũng cảm, gian khổ, quân, dân Cần Đước, Cần Giuộc tiêu diệt hơn 2.000 tên giặc Mỹ, làm hư hỏng 17 máy bay, 20 xe thiết giáp, thu nhiều phương tiện chiến tranh làm nên một “Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến” vang danh, biểu tượng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân tại Long An. “Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến” của quân và dân Cần Đước, Cần Giuộc góp phần làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ’’ của Mỹ trên chiến trường Long An và đóng góp vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sức sống mới trên quê hương anh hùng

Trở lại Long Hòa hôm nay, chúng tôi không còn nhận ra những vết tích của chiến tranh năm nào - nơi từng là căn cứ địa lớn nhất của Mỹ - ngụy tại miền Nam. Có chăng, dấu tích về một thời đạn bom chỉ còn được khắc họa lại trong những tư liệu được trưng bày tại Khu di tích Ngã tư Rạch Kiến để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Thay vào đó, từng con đường, từng ngôi nhà đang bừng lên sức sống mới. Theo Chủ tịch UBND xã Long Hòa - Trần Duy Khanh, sau nhiều năm khắc phục vết tích chiến tranh tàn phá, tập trung phát triển kinh tế, từ năm 2012, xã Long Hòa chính thức bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, mang lại diện mạo mới cho quê hương giàu truyền thống anh hùng. Xuất phát điểm thấp, khi xã chỉ đạt 12/19 tiêu chí nhưng đúng 7 năm, với những nỗ lực của toàn Đảng bộ và sự đồng lòng của người dân, Long Hòa đã về đích xã nông thôn mới.

Xã Long Hòa - vành đai diệt Mỹ năm nào nay trở thành xã nông thôn mới

“Những con đường giao thông nông thôn, đường liên xã, liên ấp hiện nay đều được nhựa hóa, bêtông hóa từ chính công sức đóng góp của người dân. Trong giai đoạn xã thực hiện xây dựng nông thôn mới, người dân toàn xã đóng góp trên 4,3 tỉ đồng. Đến nay, thu nhập của người dân trong xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Đường mở, cảnh quan sạch, đẹp như minh chứng rõ nét nhất cho những thay đổi của quê hương” - Chủ tịch UBND xã Long Hòa - Trần Duy Khanh cho biết. Bên cạnh đó, theo ông Khanh, sau khi về đích xã nông thôn mới, Long Hòa tiếp tục phấn đấu với quyết tâm xây dựng xã trở thành thị trấn trong tương lai gần.

Nhìn lại 46 năm sau ngày thống nhất, Cần Đước từ một huyện bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, kinh tế thuần nông nay đã có bước phát triển mạnh mẽ với kinh tế đa dạng từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đời sống người dân không ngừng được nâng lên về mọi mặt. “Trong chiến tranh, người dân Cần Đước anh hùng thì thế hệ hôm nay phải tiếp tục phát huy truyền thống ấy trong thời đại mới. Lịch sử đã sang trang nhưng người dân Cần Đước không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu anh hùng. Dự kiến năm 2022 sẽ chính thức khởi công xây dựng tượng đài chiến thắng Rạch Kiến để ghi nhớ, giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau” - Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Văn Đát cho biết.

Những năm qua, từ “vùng trắng”, Thạnh Lợi đang đổi thay từng ngày. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 6, xã Thạnh Lợi - Nguyễn Văn Công cho biết: “Ai từng ở vùng đất Thạnh Lợi trong những năm tháng chiến tranh đều thấu hiểu những mất mát, tổn thất nặng nề. Thậm chí hòa bình lập lại, người dân Thạnh Lợi cũng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Nhưng bằng sức mình, người dân Thạnh Lợi tiếp tục bắt tay vào cuộc chiến mới cho thành quả hôm nay. Những vườn chanh trĩu quả, những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều, người dân có “của ăn, của để” cho thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc của mảnh đất từng là “vùng trắng” năm nào”.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 3, xã Thạnh Lợi - Huỳnh Thị Kim Loan khẳng định, ngày trước, hệ thống đường giao thông của xã chủ yếu nhỏ, hẹp, cầu khỉ, cầu tạm nối tiếp nhau thì nay được cứng hóa, mở rộng. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện, nước được đầu tư đáp ứng hầu hết nhu cầu người dân. Người dân luôn đồng lòng cùng chính quyền địa phương để phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023.

Anh hùng trong thời chiến, đi đầu trong những phong trào xây dựng, phát triển quê hương với minh chứng là thành tựu sau 46 năm thống nhất đất nước, những vùng chiến trường ác liệt năm nào trên quê hương Long An đang dần hồi sinh, khoác lên mình tấm áo mới của sự phát triển./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích