Tiếng Việt | English

03/08/2015 - 05:27

Quốc tế phê phán việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông

 Vừa qua, tình hình ở Biển Đông diễn biến khá phức tạp, khó lường nên đã thúc đẩy nhiều nước, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế, nhiều chính khách, nhân vật nổi tiếng, nhà phân tích... tổ chức nhiều cuộc hội thảo hoặc lên tiếng về tình hình ở vùng biển quan trọng này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Qua các cuộc hội thảo và các ý kiến đã được các cơ quan truyền thông quốc tế đăng tải, người ta thấy nổi bật lên các vấn đề sau đây:

- Tầm quan trọng về nhiều mặt của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như vai trò năng động của khu vực này đối với thế giới nói chung, trong đó Biển Đông đóng một vai trò hết sức quan trọng;

- Dư luận hết sức lo ngại về những diễn biến phức tạp đã và đang xảy ra ở Biển Đông và đưa ra nhiều dự báo lo ngại do tính chất phức tạp của tình hình;

- Rất nhiều ý kiến tập trung phê phán, chỉ trích và lên án những việc làm sai trái của Trung Quốc tại vùng biển này, trong đó nổi bật lên là:

Dựa vào sự “trỗi dậy” của mình cả về kinh tế, quân sự, tài chính, thương mại... trong mấy chục năm qua, Trung Quốc đang kết hợp cả sức mạnh cứng, sức mạnh mềm, tiền bạc để lấn át các nước láng giềng nhỏ yếu hơn ở khu vực để thực hiện ý đồ bành trướng nhằm đặt khu vực này dưới ảnh hưởng của mình.

Cậy là nước lớn, Trung Quốc tự phong cho mình những quyền riêng không hề có trong những quy định chung của thế giới, chưa hề có tiền lệ hoặc cơ sở khoa học, pháp lý, lịch sử để đưa ra những đòi hỏi vô lý như tự vẽ ra đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, chiếm tới 90% diện tích của vùng biển này để biến thành “lãnh hải riêng” hay “ao nhà” của Trung Quốc.

Coi thường các luật pháp và công ước quốc tế về hàng hải, kể cả Luật Biển của Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS) để tự ý tổ chức lực lượng múc cát, be bờ, bồi đắp các bãi đá ngầm, các đảo san hô nằm rải rác tại Biển Đông để biến những nơi đó thành các cứ điểm, các nơi neo đậu tàu thuyền, thậm chí cả các sân bay dã chiến, các nơi tiếp dầu để ngăn chặn rồi tiến tới khống chế các tuyến đường hàng hải quốc tế từ Á sang Âu và ngược lại. Họ cố tình “làm việc đã rồi” trước sự phản đối của quốc tế.

Trung Quốc đã vi phạm các quy ước quốc tế về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường sinh thái ở Biển Đông như việc tự xây cất và lấn chiếm các bãi đá ngầm hoặc đảo san hô như đã nói ở trên theo chương trình xây dựng “Trường Thành trên Biển Đông” của họ hay tự đặt ra các lệnh cấm ngư dân các nước Đông Nam Á được làm ăn sinh sống trong vùng biển này trong những thời gian nhất định.

Song song với những việc làm nói trên, Trung Quốc tăng cường mạnh ngân sách và chi tiêu quốc phòng, đặc biệt là tăng cường lực lượng hải quân để có thể vươn ra được tất cả các đại dương với đủ các loại tàu chìm, tàu nổi hiện đại; tăng cường lực lượng không quân chiến lược có khả năng hoạt động lâu trên không trong phạm vị rộng - dài với các trang bị kỹ thuật và vũ khí hiện đại, đủ sức đương đầu với các loại đối tượng có thể chống lại họ; tăng cường lực lượng tên lửa chiến lược tầm xa và pháo binh cực mạnh đặt cả trên các chiến hạm và các vị trí quan trọng ở ven biển đại lục Trung Quốc hoặc trên đất liền để phô trương sức mạnh.

Trong các cuộc hội thảo quốc tế nói trên, người ta chú ý nhiều đến mấy cuộc hội thảo gần đây nhất. Tại cuộc hội thảo trong hai ngày 22 và 23/7/2015 do Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế thuộc Đại học Meiji Nhật Bản tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác quốc tế vì hòa bình và ổn định tại vùng biển châu Á” với hàng trăm diễn giả tham gia, cựu Đô đốc, Tư lệnh lực lượng phòng vệ Nhật Bản Koda Yoji đã tập trung phân tích những nguyên nhân, ý đồ và quá trình Trung Quốc bồi đắp quy mô lớn các đảo, bãi đá ở Biển Đông. Ông Koda Yoji chỉ rõ: Không dừng lại với khả năng triển khai sức mạnh quân sự ở khu vực Bắc và Trung Biển Đông với căn cứ quân sự ở Tam Á và đảo Phú Lâm, Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ biến đá chữ Thập thành cơ sở chủ chốt tại khu vực Nam Biển Đông có thể tiếp nhận các máy bay và tàu biển cỡ lớn. Nếu ý đồ này thành hiện thực, Bắc Kinh sẽ biến khả năng kiểm soát thực tế từ “điểm” sang “tuyến”; kéo dài 900 km từ đảo Phú Lâm tới quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), giành ưu thế rõ nét trong cán cân quân sự tại khu vực. Nếu cộng đồng quốc tế không lên tiếng mạnh mẽ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng căn cứ quân sự tại bãi Hoàng Nham (Scarborough), hình thành khu tam giác Phú Lâm - Chữ Thập - Hoàng Nham nằm dưới sự kiểm soát của họ.

Ông Koda Yoji nói rõ thêm: Từ những năm 1990, Trung Quốc đã tập trung sức mạnh để chuẩn bị cho mục tiêu kiểm soát khu vực Biển Đông. Họ đã ra yêu sách “đường chín đoạn”, đòi chủ quyền đối với rất nhiều đảo, đồng thời tại những điểm không có đảo, họ bồi đắp đá thành đảo để sử dụng. Trung Quốc đã tạm chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 sau khi đánh bại lực lượng miền Nam Việt Nam và trên thực tế cũng kiểm soát cả khu vực phía Bắc Biển Đông tuy rằng họ chưa có khả năng kiểm soát phía Nam Biển Đông do chưa quản lý được đảo nào. Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc là một chủ trương không thèm đếm xỉa tới luật pháp quốc tế và sẽ làm đảo lộn trật tự hàng hải quốc tế. Việc Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện thay đổi thực trạng bằng vũ lực sẽ dẫn tới mất ổn định nghiêm trọng tại khu vực./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết