Thiếu tướng- PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học "Hải quân Nhân dân Việt Nam: truyền thống và hiện đại" nhấn mạnh, trong thời đại toàn cầu hóa, quan hệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh giữa các nước trên thế giới cũng phát triển năng động và đa dạng hơn trước.
Nhận thức đúng vị trí, vai trò của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, chúng ta sẽ tạo dựng được môi trường hoà bình, ổn định, tiếp thu được những kinh nghiệm của các nước, phục vụ phát triển kinh tế, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Bảo vệ Tổ quốc từ xa
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ đối ngoại bao trùm trong thời gian hiện nay và sắp tới là “giữ vững môi trường hoà bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Theo đó, đối ngoại hải quân cần góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân nhằm thực hiện các mục tiêu Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, với mục đích bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình, được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay đã được trang bị nhiều phương tiện vũ khí hiện đại
Thiếu tướng- PGS. TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, hội nhập quốc tế và đối ngoại hải quân là một bộ phận thống nhất không thể tách rời trong quá trình hội nhập quốc tế của quân đội và đất nước, có mối liên hệ chặt chẽ với hội nhập quốc tế về kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa, thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, với tinh thần Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Hội nhập quốc tế và đối ngoại hải quân cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa bảo vệ lợi ích quốc gia với đóng góp cho hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hội nhập quốc tế và đối ngoại Hải quân phải luôn nắm vững và vận dụng các quan điểm của Đảng về đối tượng, đối tác được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 8 (Khoá XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ đó xác định đối tượng, đối tác để hợp tác và đấu tranh nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Cần thể hiện được quyết tâm đẩy lùi và ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; góp phần tích cực thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ xa.
Hội nhập quốc tế và đối ngoại hải quân cần sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, tạo cớ để can thiệp vũ trang của các thế lực thù địch, đồng thời phát huy nội lực, không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Thiếu tướng- PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại hải quân trong tình hình mới, một trong những giải pháp là chúng ta phải tích cực, chủ động tăng cường quan hệ song phương về Hải quân, tham gia các cơ chế hợp tác an ninh khu vực và quốc tế.
Theo đó, Hải quân cần chủ động tham mưu, thúc đẩy xây dựng quan hệ hợp tác song phương với hải quân các nước láng giềng; chủ động xây dựng các phương án duy trì, tăng cường quan hệ và đấu tranh khi có tình huống xảy ra trên biển, tránh để bị động, bất ngờ, trong đó bao hàm sự tranh thủ ủng hộ của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế, đấu tranh làm rõ chính nghĩa của ta, tham vọng và sai lầm của nước lớn về vấn đề Biển Đông.
Đồng thời, Hải quân cũng cần tích cực chủ động phát huy vai trò của Việt Nam trong việc đưa ra các sáng kiến, đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hội nhập quốc tế về Hải quân, chủ động hơn nữa trong khuôn khổ hợp tác hải quân ASEAN, trong đó có Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM).
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng: "Một vài thành viên ASEAN đề xuất xây dựng hải quân ASEAN, xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN... Mặc dù các sáng kiến này chưa nhận được sự đồng thuận cao của các nước thành viên ASEAN, nhưng đó là một xu hướng đáng quan tâm. Vì vậy Hải quân cũng cần chủ động nghiên cứu mọi mặt để sẵn sàng tham mưu cho Bộ Quốc phòng khi các nước thành viên ASEAN đạt được sự đồng thuận về các sáng kiến này”.
Hiện nay, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), có nhiều nội dung hợp tác giữa hải quân ASEAN và hải quân các nước đối tác đối thoại, trong đó có an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và hành động mìn nhân đạo, Hải quân Việt Nam cần tích cực, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác này theo phạm vi nhiệm vụ của mình.
Đồng thời, Hải quân cần tích cực tham gia hơn nữa hoạt động của Trung tâm chia sẻ thông tin hàng hải (IFC) và Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo khu vực (RHCC) ở Changi (Singapore) nhằm chia sẻ thông tin, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa các lực lượng có vai trò chủ chốt trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển của ASEAN. Vấn đề này đã được Singapo nêu ra tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ -ASEAN lần thứ nhất tại Hawai, Mỹ (4/2014).
Ở tầm quốc tế, Hải quân không thể không chuẩn bị sẵn sàng tham gia các hoạt động chống khủng bố quốc tế, chống các hành vi tội ác xuyên quốc gia trên biển; sẵn sàng chủ động tham gia các cuộc diễn tập về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa với hải quân các nước
Thiếu tướng- PGS.TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc đổi mới, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển đặt ra rất nặng nề. Tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, tranh chấp tài nguyên trên Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột quân sự. Tình hình đó đặt ra cho hải quân, lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, những yêu cầu mới cao hơn, trong đó có yêu cầu về xây dựng phát triển lực lượng và hội nhập quốc tế của hải quân.
“Trong xử lý các vấn đề nảy sinh trong quan hệ quốc tế, nhất là các tranh chấp bất đồng trên biển, chúng ta cần tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “thêm bạn, bớt thù”, “lấy nhỏ thắng lớn”, linh hoạt, sáng tạo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, theo Thiếu tướng- PGS.TS Nguyễn Hồng Quân./.
Ngọc Thành/VOV.VN